TP.HCM: Sắp đào nhiều đường ở trung tâm

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2017, nhiều tuyến đường nội thành ở TP.HCM sẽ phải đào lên để lắp đặt cống thoát nước mới. Hiện tình trạng ùn ứ đang xảy ra ở nhiều khu vực ở TP.HCM nên việc xuất hiện thêm nhiều lô cốt sẽ khiến bức tranh giao thông thêm phức tạp.

Đào nhiều đường chính ở trung tâm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều tuyến đường ở khu vực quận 1 cũng sắp bị đào đường để thực hiện các dự án chống ngập. Đó là dự án tạo hệ thống thoát nước đường Pasteur (đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Bến Chương Dương), do Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP làm chủ đầu tư. Theo đó, tuyến cống vòm hiện hữu ở dưới đường Pasteur sẽ được thay thế bởi tuyến cống tròn từ 1.000 mm đến 1.800 mm. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng, dự kiến được thực hiện từ nay đến năm 2017.

Tương tự, tuyến cống vòm ở dưới đường Đồng Khởi (từ sông Sài Gòn đến Nguyễn Du, dài khoảng 1 km) cũng sẽ được thay thế bằng tuyến cống thoát nước mới từ  1.200 mm đến 1.800 mm. Dự án này cũng do Trung tâm Chống ngập TP làm chủ đầu tư, kinh phí dự toán hơn 87 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2017. Theo Trung tâm Chống ngập TP, hiện nay tuyến cống vòm ở đường Đồng Khởi và đường Pasteur đã xuống cấp, không đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực. Đây là những tuyến cống vòm lâu năm nhất TP, do Pháp xây dựng.

Có mật độ xe cộ đông đúc không kém khu vực trung tâm TP, đường Dương Tử Giang (từ Tân Thành đến Nguyễn Trãi, quận 5) cũng sắp bị đào lên để lắp đặt cống thoát nước chống ngập. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 17 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2015-2017...

Nhiều tuyến đường ở trung tâm (như đường Pasteur trong ảnh) vốn rất đông xe nên giao thông sẽ phức tạp khi đào đường. Ảnh: TRUNG THANH

Sửa cống mà không đào đường?

Theo Trung tâm Chống ngập TP, tuyến đường Ba Vân (đoạn từ Nguyễn Hồng Đào đến Âu Cơ, quận Tân Bình) dự kiến sẽ được đào ngay trong năm 2015 để cải tạo hệ thống cống thoát nước. Ở khu vực này có các tuyến đường Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu, Tân Hương... (đều ở quận Tân Phú) cũng dự kiến sẽ đào lên để lắp đặt cống thoát nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2017, 2018 (tùy quy mô của các tuyến đường bị đào).

Một cán bộ Sở GTVT cho biết hiện nay do chưa biết thời gian thi công cụ thể của từng dự án nên chưa thể đưa ra các phương án phân luồng giao thông cụ thể. “Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án đào đường, nhất là ở những tuyến đường nội thành thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Nhưng mức độ ảnh hưởng thế nào thì chưa thể đánh giá cụ thể được” - vị này nhận định.

Ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý thoát nước Sở GTVT, cho rằng hiện nay đã có công nghệ sửa cống mà không cần phải đào lên thay mới. Do vậy, ông Mãnh đề nghị cần cân nhắc về việc áp dụng công nghệ thi công khi thực hiện các dự án cải tạo hệ thống thoát nước. “Các đường Đồng Khởi, Pasteur nằm ngay khu vực trung tâm nên nếu rào chắn để đào đường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến du lịch và hoạt động kinh doanh của người dân. Do đó, cần so sánh thiệt hại một cách tổng thể để chọn phương án thực hiện. Nếu căn cứ vào chi phí thi công thì việc đào hở (phải dựng “lô cốt”) có thể rẻ hơn nhưng nếu tính đầy đủ các thiệt hại thì có khi phương án này lại tốn kém hơn” - ông Mãnh nói.

Thi công cuốn chiếu, giảm thiểu ảnh hưởng

Chỉ riêng việc thi công gói thầu K (cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng) - dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2 đã có 19 tuyến đường ở các quận 5, 6 và 11 sẽ phải đào lên. Trước tiên, việc thi công thực hiện trên các đường Hồng Bàng và Mai Xuân Thưởng, tiếp đến là đường Tạ Uyên. Sau khi đào, lắp đặt hoàn tất cống thoát nước các đường trên thì mới lên kế hoạch thi công tiếp những tuyến đường khác. Việc thi công dự báo sẽ gặp khó khăn do vướng các đường ống cấp nước (từ 600 mm đến 800 mm) ở các đường Bình Tiên, Minh Phụng, Phạm Phú Thứ... có từ thời Pháp cần di dời.

Dự kiến, việc đào đường kéo dài hơn ba năm sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại, buôn bán của người dân nên đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ thi công cuốn chiếu để giảm thiểu ảnh hưởng. Ngoài ra, việc đào đường sẽ không thực hiện cùng lúc ở hai tuyến đường gần nhau.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới