TP.HCM sẽ bứt phá với kinh tế số

(PLO)- TP.HCM cần hoàn thiện về cơ chế chính sách, quy trình thủ tục, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kỹ năng… nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế số mạnh mẽ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM được coi là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và tài chính, cửa ngõ giao lưu quốc tế của Việt Nam. Khát vọng của TP không chỉ là duy trì vị trí dẫn đầu mà còn thu hẹp khoảng cách và tiến đến bắt kịp các TP thành công trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP.HCM đang nỗ lực xây dựng kinh tế số nhằm tạo sức bật cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đột phá trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng hiện TP.HCM đang có nhiều thuận lợi về phát triển kinh tế số. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng hiện TP.HCM đang có nhiều thuận lợi về phát triển kinh tế số. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nhận diện lợi thế

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” vừa được tổ chức vào ngày 15-4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá năm 2021, TP bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, đến quý I-2022, bộ máy chính quyền, doanh nghiệp và người dân toàn TP đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế phục hồi và từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào phục hồi chung của cả nước. Và một điều đặc biệt là chính trong đại dịch COVID-19, các hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể.

Về phát triển kinh tế số, TP đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước. Đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực (GRDP) và đến năm 2030 đóng góp 40% GRDP. Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế.

“Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số sẽ giúp TP.HCM khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ của khu vực.”

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

“Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP.HCM sẽ góp phần quan trọng cho thành công trên cả nước, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ của khu vực” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định TP đang có nhiều thuận lợi về phát triển kinh tế số vì Đảng và Chính phủ đã có nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Mới đây nhất, ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 411 về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Phó Thủ tướng, phương châm thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào vì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số.

“Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung. Với những vấn đề đã có quy định hay được thực tiễn chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện; còn những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội” - ông Lê Minh Khái nói.

Các doanh nghiệp, chuyên gia tham quan bên lề Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022, tổ chức ngày 15-4 tại TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Các doanh nghiệp, chuyên gia tham quan bên lề Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022, tổ chức ngày 15-4 tại TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Định hướng phát triển

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch IFC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết trên phạm vi toàn cầu, đại dịch đã thúc đẩy tốc độ áp dụng kỹ thuật số, chuyển đổi sự phát triển khi các doanh nghiệp và người dân chấp nhận các giải pháp hỗ trợ công nghệ trong giáo dục, y tế, giao thông, khí hậu...

Do đó, đây là thời điểm phù hợp để TP.HCM tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số. Trong đó, nền kinh tế kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu để phục hồi kinh tế và đầu tư vào khả năng cạnh tranh trong tương lai.

“Chúng tôi đánh giá rất cao TP.HCM khi sớm đặt mục tiêu như trên. Việc TP ra mắt cổng thông tin kỹ thuật số vào tháng 3-2021 đã đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình số hóa của TP cũng như kế hoạch trở thành TP thông minh trong năm nay” - ông Alfonso Garcia Mora nói.

8,27 tỉ USD

là con số ước đạt của nền kinh tế số TP.HCM trong năm 2021. Dự kiến năm 2022, kinh tế số của TP.HCM sẽ đóng góp 15% GRDP.

(Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)

Phó chủ tịch IFC khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng số hóa là một trong những bước phát triển quan trọng nhằm định hình thế giới và có thể thắp sáng con đường dẫn đến một tương lai xanh bền vững. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này cần phải thực hiện bốn bước, gồm cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kỹ năng, đồng thời đảm bảo không ai, đặc biệt là phụ nữ, bị loại khỏi các hệ thống kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin số hóa từ chính quyền sẽ giúp ích đáng kể cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp; việc đơn giản hóa quy trình thủ tục cũng giúp TP thu hút và giữ chân các doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Kinh tế số đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm,
đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất nặng nề cả về kinh tế - xã hội và con người. Riêng tại TP.HCM, trong quý III-2021, kinh tế trên địa bàn giảm khoảng 25%, đến quý IV-2021 giảm 11,6%, làm tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm giảm 6,78%.

Đến thời điểm này, đời sống kinh tế - xã hội TP đang dần khởi sắc và trở lại hoạt động bình thường. Quý I-2022, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng 1,88%, so với mức giảm 11,6% của quý IV-2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn. Ảnh: TTXVN
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Đại dịch COVID-19 đã để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được. Tuy nhiên, điều này cũng đã và đang tác động thúc đẩy chuyển đổi số trên cả ba nội dung gồm chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số.

“Chúng ta thường nói trong nguy có cơ và đây là cơ hội để TP.HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” - Bí thư Nên nói và cho rằng với tinh thần năng động sáng tạo, các doanh nghiệp TP đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nhìn nhận đây cũng là định hướng phát triển mới của TP, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động.

“Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. Việc triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực” - Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.


Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

TP.HCM cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực số. Cụ thể, TP.HCM cần có đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số đến năm 2030, trong đó có một chương trình tái cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do TP quản lý. Để làm được việc này, TP cần phân loại, sắp xếp tầm quan trọng các cơ sở đào tạo theo ngành đào tạo mà Nhà nước phải đầu tư phục vụ phát triển kinh tế số và dịch chuyển cơ cấu kinh tế.

TP.HCM cũng cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng bằng các quy định hấp dẫn, thu hút các nguồn lực vào các dự án phát triển công nghệ số, hạ tầng số; có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như tạo vốn kích cầu, ưu đãi giảm chi phí trong sử dụng dịch vụ công…

TS NGUYỄN THỊ CÀNH, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Tạo khung pháp lý cho kinh tế số

TP.HCM cần phải có độ mở lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh áp dụng kinh tế số. Hiện có hai vấn đề đang gây khó khăn cho quá trình này.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ rất khó tiến hành chuyển đổi số nên cần có khung pháp lý để hỗ trợ. Ngoài ra, đa số doanh nghiệp nước ngoài, các đơn vị phát triển tài chính vẫn đang ngần ngại đưa ra công cụ mới liên quan đến kinh tế số vì họ chưa thấy bộ khung pháp lý cho hoạt động này.

Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền nên xây dựng khung pháp lý cho phép thí điểm (sandbox) cho những khởi nghiệp và sáng kiến công nghệ mới ở TP.HCM. Góc nhìn sandbox nên đưa ra quy chế chung và khi mọi người hoạt động trong khung khổ đó thì được phép làm bất cứ thứ gì họ nghĩ ra, có như vậy các công nghệ số mới nhanh thành công.

TS HỒ QUỐC TUẤN, giảng viên cao cấp ĐH Bristol

GÓC NHÌN

Kinh tế số TP.HCM sẽ về đích trước

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nặng nề nhưng mặt khác đang thúc đẩy chuyển đổi số trên cả ba nội dung: Chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số.

Trong nguy có cơ và đây là cơ hội để TP.HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số. Đây cũng là cơ hội giúp TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và vượt so với các nước trong khu vực.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: TP đã đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu cả nước trong đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu phát triển kinh tế số của TP.HCM cao hơn cả nước: Đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến năm 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%.

Mục tiêu phát triển dựa trên tình hình thực tế được những nhà hoạch định chính sách của TP.HCM đặt ra rất cao. Mặt khác, những kỳ vọng từ trung ương cùng dư luận trong, ngoài nước dành cho TP cũng rất lớn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định: TP.HCM hoàn toàn có thể đi đầu cả nước về chuyển đổi số, những mục tiêu mà cả nước đạt được năm 2025, TP có thể đạt vào năm 2022.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, góp ý: Chúng ta có thể chọn để xây dựng TP.HCM là viên ngọc xanh của công nghệ thế giới. Cần đặt mục tiêu thật cao cho 20 năm nữa với TP.HCM là ngọn cờ kinh tế số của cả nước.

Việt Nam có dân số trẻ, năng động, tốc độ phát triển công nghệ nhanh. Hiện nay đã xuất hiện một số tỉ phú công nghệ Việt Nam sinh vào thập niên 1990 của thế kỷ trước. Đó là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số. Với nhiều ưu thế, TP.HCM là tâm điểm quy tụ những cá nhân giàu năng lượng sáng tạo.

Để phát huy tiềm năng to lớn ấy, cần xây dựng thể chế, hạ tầng kỹ thuật đủ thuận lợi để kinh tế số trở thành trào lưu lan tỏa sâu rộng từ hệ thống chính trị đến từng người dân. Làm sao để kinh tế số không chỉ là vấn đề vĩ mô của các nhà hoạch định chính sách mà còn là cuộc sống của từng công dân. Trong nền kinh tế số đầy năng động đó, mỗi người dân là một doanh nghiệp, vừa là người tiêu dùng vừa là nhà cung cấp.

TP.HCM đã đưa ra một số nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số theo lộ trình, như: Tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn TP và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp, chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng. Đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, TP thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.

Đồng thời xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM, với ba chức năng chính: Thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh vận hành dựa vào lợi thế công nghệ số.

Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực. Đó là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số.

PHẠM CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm