Ngày 15-4, UBND TP.HCM tổ chức diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai". Đây là sự kiện quan trọng thường niên do UBND TP.HCM tổ chức với sự tham gia của 1.000 đại biểu trong và ngoài nước.
Xu hướng tất yếu
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, đồng thời đề ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GDP. Ngoài ra, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu là 10%.
Mới đây, ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến 2030, trong đó đề ra một số điểm đột phá và xác định thể chế về hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế số.
"Theo số liệu của nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đánh giá, trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỉ USD, đóng góp 5% GDP và cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 57 tỉ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Nếu tận dụng tối đa, kinh tế số có thể đem lại 27% GDP vào năm 2030”- Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết thêm, trong năm 2021, TP.HCM đã trải qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Thế nhưng, chính trong đại dịch COVID-19, các hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số đã được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể.
"Do đó, ngay trong quý 1-2022, TP.HCM đã đưa nền kinh tế phục hồi sớm hơn dự kiến, đóng góp tích cực vào đà phục hồi chung của cả nước. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong thời gian vừa qua mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu và tiềm năng phát triển còn rất lớn, do đó chính quyền TP cần tập trung khai thác tiềm năng này trong thời gian tới”- Phó Thủ tướng nói.
Sự kiện quan trọng thường niên do UBND TP.HCM tổ chức với sự tham gia của 1.000 đại biểu trong và ngoài nước. |
Sự kiện quan trọng đối với sự phát triển của TP.HCM
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau 2 năm trì hoãn bởi đại dịch, đến nay diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 mới được tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng đối với sự phát triển của TP.HCM trong bối cảnh CMCN 4.0 đang tác động mạnh đến các lĩnh vực KT-XH.
Chủ tịch UBND TP cho rằng điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Từ thực tiễn TP, với vai trò vị trí của mình và trên cơ sở chính sách chung đã và đang tập trung triển khai chương trình chuyển đổ số TP đến năm 2025 định hướng 2030 gắn với chương trình này này là 6 chương trình đột phá 2021-2025.
Đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động KT-XH, tuy nhiên trong bối cảnh đó, công nghệ số đã trở thành công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Do đó, khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025, TP.HCM đề ra mục tiêu và quyết sách thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tiến tới cơ hội phát triển nhanh kinh tế số...
4 chủ đề chính
Tại diễn đàn, chính quyền TP.HCM tập trung trao đổi 4 chủ đề chính. Trong đó, chủ đề thứ nhất là TP đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo... Đến năm 2030,TP.HCM là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.
Chủ đề thứ hai sẽ tập trung các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thứ ba, sẽ là chủ đề về triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số.
Chủ đề thứ tư là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để DN thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Mối quan hệ giữa nhà nước- DN và người dân có lẽ là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số.
Theo Chủ tịch TP, phát triển kinh tế TP với 95% DN vừa và nhỏ và hơn 200.000 hộ kinh doanh cá thể để nâng cao hiệu quả năng suất cạnh tranh của các DN hộ kinh doanh trong đó nổi bật là yếu tố nhân lực bao gồm nhân lực chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Như vậy động lực và trở lực đan xen nhau.
"Trong chuyển đổi số, công nghệ quan trọng nhưng yếu tố con người quan trọng hơn, do đó vấn đề đặt ra là vai trò của nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để DN thấy được lợi ích và vượt qua thách thức để chuyển đổi số. Đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, mối quan hệ của Nhà nước, DN và người dân cũng cần chú trọng trong quá trình chuyển đổi số"- ông Mãi nói.