Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có kết luận chỉ đạo liên quan công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.
|
Sở NN&PTNT TP sẽ chủ trì phối hợp cùng các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn. Ảnh: NC |
Theo ông Võ Văn Hoan, thời gian qua, TP.HCM chịu tác động bởi yếu tố biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra trên địa bàn làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân TP.
Năm 2023, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, lãnh đạo các đơn vị, địa phương triển tổ chức rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống ứng phó thiên tai. Đồng thời điều chỉnh, cập nhật, bổ sung phù hợp với các phương án ứng phó thiên tai của TP và tình hình thực tế địa phương.
Sở NN&PTNT TP được giao chủ trì phối hợp cùng các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. Sau khi rà soát sẽ có báo cáo UBND TP.HCM công bố các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm trên địa bàn TP năm 2023.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở bờ sông, kênh, rạch đối với danh mục các vị trí sạt lở đã được công bố chưa có biển cảnh báo và duy tu, sửa chữa, thay thế những biển cảnh báo đã cắm nhưng bị mất, hư hỏng, ngã đổ. Cạnh đó, Sở NN&PTNT cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh.
Được biết, trong năm 2022, TP.HCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm bao gồm: TP Thủ Đức tám vị trí, huyện Nhà Bè bảy vị trí, huyện Bình Chánh bốn vị trí, huyện Cần Giờ bảy vị trí, quận Bình Thạnh bốn vị trí, huyện Hóc Môn một vị trí và huyện Củ Chi một vị trí.