Ngày 17-4, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 với chủ đề Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Sẽ kiểm tra đột xuất các bếp ăn trường học
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết tháng 4 là thời điểm gần như nóng nhất, chuyển mùa và cũng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy về an toàn thực phẩm.
Hiện hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm ngày càng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Ở các địa phương nói chung hay TP.HCM nói riêng cũng chưa hoàn toàn miễn nhiễm khỏi những đợt ngộ độc thực phẩm tập thể…
“Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, quanh năm. Nếu không, thực phẩm cung cấp cho người dân sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào” - bà Lan nhấn mạnh.
Theo đó, từ ngày 15-4 đến ngày 15-5 là khoảng thời gian điểm để tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Điểm nhấn của chương trình tháng hành động là sẽ kiểm tra không báo trước các bếp ăn trường học trên địa bàn TP.
“Việc phòng ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm phải được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt lưu ý đến bếp ăn tập thể ở nơi tập trung đông người như căn tin trường học, bệnh viện, các đơn vị công ty xí nghiệp, khu chế xuất…
Bằng bất cứ giá nào cũng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Muốn như vậy chúng ta phải phòng ngừa từ đầu. Sở đã có những đợt kiểm tra, giám sát và chỉ ra những sai phạm, xử lý kịp thời; thực phẩm đi vào những bếp ăn tập thể phải đạt tiêu chuẩn, quy trình chế biến bảo đảm sạch sẽ” - bà Lan nói.
Ngoài ra, theo Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, để đảm bảo an toàn thực phẩm cần nâng cao nhận thức của người dân khi chọn mua thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, tại những cơ sở uy tín. Tránh mua hàng trôi nổi. Tiếp đó là biết cách bảo quản, chế biến thực phẩm đúng cách...
Khi có được những thông tin hay chứng kiến những hành vi mất an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, Sở kêu gọi người dân báo về cho các cơ quan quản lý chức năng qua đường dây nóng 02839301714 để xử lý kịp thời.
Nguy cơ từ kinh doanh thực phẩm online
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho hay hình thức kinh doanh online ngày càng phổ biến, trong đó có mặt hàng thực phẩm. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, thực phẩm nhái/giả, kém chất lượng. Vì vậy các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được quan tâm và thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm trong và xung quanh các trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
“Hiện nay, phương thức quảng cáo thực phẩm đã dần thay đổi từ quảng cáo trên các phương tiện chính thống, truyền hình, báo đài sang quảng cáo qua mạng và các nền tảng xã hội với đặc điểm rẻ, nhanh và khó kiểm soát. Việc giám sát, quản lý và xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm cần phải những thay đổi phù hợp thực tiễn” - ông Long nhấn mạnh.
Theo đó, ông Long cho rằng TP.HCM cần có có những chỉ đạo sát sao, nâng cao vai trò các cấp chính quyền trong quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của những người sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Song song đó, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong quan quản lý an toàn thực phẩm. Từ đó sớm phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, xử lý kịp thời sự việc (nếu có).
Mục tiêu của tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm;
Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.
Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.