Ngộ độc thực phẩm: Các quán ăn lưu mẫu như thế nào?

(PLO)- Nhiều địa phương đang lên kế hoạch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh bị ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, một số địa phương liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc xảy ra ở quán cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP Nha Trang) làm hơn 360 người nhập viện.

Mới đây, hàng chục trường hợp là học sinh ở phường Vĩnh Trường cũng nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn thức ăn đường phố bán trước cổng trường. Trong đó có một em học sinh lớp 5 tử vong chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan chức năng xác định học sinh này sáng đó có ăn shushi, uống nước ngọt sau đó có triệu chứng mệt mỏi, ngất xỉu rồi tử vong trên đường đi cấp cứu.

ngộ độc thực phẩm
Bệnh nhân nhập viện sau khi ăn ở quán Trâm Anh. Ảnh: XUÂN HOÁT

Quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Vậy quy trình lưu mẫu thức ăn tại các quán ăn được thực hiện ra sao?

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: “Việc lưu mẫu tại các cơ sở chế biến thức ăn được quy định tại Quyết định 1246/QĐ-BYT năm 2017 của Bộ Y tế ban hành “hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”.

Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có trách nhiệm thực hiện việc kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo các nội dung của hướng dẫn này và lưu hồ sơ tại cơ sở.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có trách nhiệm thực hiện việc kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn.

Đối với dụng cụ lưu mẫu thức ăn: Phải có nắp đậy kín, chứa được ít nhất 100 g đối với thức ăn khô, đặc hoặc 150 ml đối với thức ăn lỏng. Dụng cụ lấy mẫu, lưu mẫu thức ăn phải được rửa sạch và tiệt trùng trước khi sử dụng.

Việc lấy mẫu thức ăn: Mỗi món ăn được lấy lưu vào dụng cụ lưu mẫu riêng và được niêm phong. Mẫu thức ăn được lấy trước khi bắt đầu ăn hoặc trước khi vận chuyển đi nơi khác. Mẫu thức ăn được lưu ngay sau khi lấy.

Lượng mẫu thức ăn: Thức ăn đặc (các món xào, hấp, rán, luộc...); rau quả ăn ngay (rau sống, trái cây tráng miệng...) tối thiểu 100 g; thức ăn lỏng (súp, canh...) tối thiểu 150 ml.

Bảo quản mẫu thức ăn lưu: Mẫu thức ăn được bảo quản riêng biệt với các thực phẩm khác, nhiệt độ bảo quản mẫu thức ăn lưu từ 2°C đến 8°C; thời gian lưu mẫu thức ăn ít nhất 24 giờ kể từ khi lấy mẫu thức ăn.

Khi có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hoặc có yêu cầu của cơ quan quản lý thì không được hủy mẫu lưu cho đến khi có thông báo khác.

Cũng theo luật sư Hoan, Thông tư 48/2015 (được sửa đổi bởi Thông tư 17/2023) của Bộ Y tế có quy định các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) gồm: Cục ATTP, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

368 người bị ngộ độc thực phẩm trong tháng 3-2024.

(Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế)

Tăng cường quản lý và kiểm tra ATTP

Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục ATTP - Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.

Được biết các địa phương đang lên kế hoạch triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP mùa nắng nóng.

Tại TP.HCM, mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, đã ký kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP”.

Bên cạnh việc thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra cấp quận, huyện và TP, kế hoạch còn quy định việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm do trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra quyết định trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế nguy cơ mất ATTP tại nơi được kiểm tra.

Đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm ATTP phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm ATTP được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm; áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP, khắc phục hậu quả, tịch thu tang vật, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.•

Bữa ăn từ 30 suất: Phải lưu mẫu thức ăn

Theo Quyết định 1246/QĐ-BYT thì kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bao gồm: Cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căn tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống (sau đây gọi tắt là cơ sở).

Lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với tất cả món ăn của bữa ăn từ 30 suất ăn trở lên.

Kiểm thực ba bước là việc thực hiện kiểm tra, ghi chép và lưu giữ tài liệu tại cơ sở ghi chép nhằm kiểm soát ATTP trong suốt quá trình từ khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, sơ chế, chế biến, phân chia, bảo quản và vận chuyển thức ăn cho đến khi ăn uống tại cơ sở.

Lưu mẫu thức ăn là việc lấy mẫu, bảo quản, ghi chép, lưu giữ tài liệu liên quan đối với thức ăn được chế biến hoặc được cung cấp để ăn uống tại cơ sở.

Theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 115/2018 (được bổ sung bởi điểm a khoản 6 Điều 1 Nghị định 124/2021), phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước. Đó là mức phạt dành cho cá nhân, với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt gấp đôi.

Luật sư TRỊNH NGỌC HOÀN VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm