Chuyên gia chỉ cách tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

(PLO)- Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó ba người tử vong.

Riêng tháng 3-2024, cả nước xảy ra sáu vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 368 người bị ngộ độc. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 14-3 tại quán cơm gà Trâm Anh, TP. Nha Trang khiến 367 người có triệu chứng ngộ độc phải vào cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Đáng lưu ý, ngày 5-4 một học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trường (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) đã tử vong nghi do bị ngộ độc sau khi ăn sáng. Nhiều học sinh khác cũng có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc sau khi ăn sáng tại các hàng quán và hàng bán rong xung quanh trường.

ngộ độc thực phẩm.jpg
Một học sinh tại TP. Nha Trang bị ngộ độc sau khi ăn các món chế biến từ gà trước cổng trường. Ảnh: NMC

Nắng nóng: Điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển

Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ từ 37 - 40 độ C vào mùa hè là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp ba lần so với thời tiết bình thường.

Thêm vào đó, thói quen trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến...không bảo đảm an toàn vệ sinh cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa, thực phẩm không được làm sạch do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm, đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Ngoài ra, một số món ăn như canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu có nguy cơ “dính” vi khuẩn từ bên ngoài.

Bác sĩ Nguyên cảnh báo, các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc…đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu.

Ngoài ra, vào mùa hè, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.

ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng.png
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm soát chặt chẽ thịt heo đưa vào chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Do vậy, theo bác sĩ Nguyên, vào mùa nắng nóng, tất cả các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở ngoài khoảng 2-3 tiếng. Nếu để lâu hơn, thực phẩm có thể ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải.

Nếu người dân muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn, nên để trong điều kiện lạnh như tủ lạnh, phích đựng đá, và tốt nhất nên để đông lạnh. Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C trong thời gian hơn 5 phút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm