Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

(PLO)- Riêng trong tháng 3-2024, cả nước xảy ra sáu vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 368 người bị ngộ độc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chưa đầy một tháng qua, TP Nha Trang có hàng trăm người nhập viện liên quan đến các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà, thức ăn đường phố bán trước cổng trường học.

Trong đó có một học sinh lớp 5 đã tử vong, các học sinh còn lại sức khỏe dần ổn định.

Nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc xảy ra ở quán cơm gà Trâm Anh, đường Bà Triệu, TP Nha Trang làm hơn 360 người nhập viện.

Không lưu mẫu, không tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc

Chiều 6-4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp đột xuất sau khi xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP Nha Trang.

Theo kết luận của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, khi kiểm tra, chủ quán cơm gà Trâm Anh không cung cấp được giấy tờ và hợp đồng liên quan đến nguyên liệu thực phẩm, không kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Do đó, lực lượng chức năng không lấy được mẫu từng món ăn riêng biệt để xét nghiệm, không thể xác định được cụ thể món ăn nào gây ngộ độc.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các sở, ngành báo cáo, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu thành lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra tất cả cơ sở kinh doanh liên quan đến thực phẩm trên địa bàn.

Ông Đinh Văn Thiệu đề nghị các cơ quan, đơn vị theo chức năng triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định, đặc biệt việc lưu mẫu thức ăn và kiểm thực ba bước.

“Mấy quán bán vỉa hè không bắt buộc lưu mẫu nhưng cũng phải kiểm tra chặt, còn cơ sở lớn mà không chấp hành lưu mẫu theo ba bước như quy định thì xử thật nghiêm minh” - ông Thiệu yêu cầu.

ngộ độc thực phẩm
Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm, đang được cấp cứu tại BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: XUÂN HOÁT

Về quán cơm gà Trâm Anh, ông Đinh Văn Thiệu cho rằng đây là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lớn, mỗi ngày bán hàng trăm suất ăn nhưng không thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định là không thể chấp nhận.

Việc làm trên đã gây hậu quả là hàng trăm người nhập viện vì ngộ độc và gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định tác nhân gây ngộ độc. Ông Thiệu đề nghị cơ quan liên quan làm chặt chẽ, xử phạt thật nghiêm chủ quán Trâm Anh để làm gương.

Theo Quyết định 1246/QĐ-BYT thì kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bao gồm: Cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căn tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống (gọi tắt là cơ sở).

Lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với tất cả món ăn của bữa ăn từ 30 suất ăn trở lên.

Bộ Y tế: Tăng cường giám sát nguy cơ

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, riêng trong tháng 3-2024, cả nước xảy ra sáu vụ ngộ độc thực phẩm, khiến 368 người bị ngộ độc.

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết nguyên nhân chính của tình trạng này là do hiện nay điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động vật, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…), ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Cùng với đó là quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách…

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.

w-P13_ngo-doc_h2.jpg
Quán cơm gà Trâm Anh, nơi gây ra vụ ngộ độc làm hàng trăm người nhập viện. Ảnh: XUÂN HOÁT

Cụ thể, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Công khai hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Các sở Y tế cũng cần chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

Phải kiên quyết xử lý không chấp hành

Để giám sát nghiêm vấn đề an toàn thực phẩm, phía chính quyền phải kiên quyết xử lý về hồ sơ kiểm thực ba bước theo quy định. Nhiều cơ sở có đủ hồ sơ nhưng sau đó mấy tháng ai mà biết họ còn chấp hành đúng theo quy định. Lúc cấp hồ sơ họ làm rất đúng nhưng sau một thời gian ai biết họ còn chấp hành hay không. Do vậy, khi kiểm tra cần lấy luôn các mẫu thực phẩm, nước hôm đó chứ không chỉ kiểm tra về mặt giấy tờ.

Ông VÕ HỒNG VÂN, Chi cục trưởng Chi cục An toàn
vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm