Ngộ độc sau khi ăn cơm gà: Lại báo động nguy cơ mất an toàn thực phẩm

(PLO)- Cần đẩy mạnh thanh tra những cá nhân hay hàng quán buôn bán thực phẩm ngay trước các cổng trường để kiểm soát được mức độ an toàn thực phẩm, tránh các trường hợp ngộ độc cơm gà đáng tiếc xảy ra với học sinh qua vụ việc tại Nha Trang lần này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Nha Trang lại có vụ ngộ độc sau khi nhiều học sinh ăn cơm gà trước cổng trường” thông tin nhiều học sinh một trường THPT ở Nha Trang sau khi ăn cơm gà mua trước cổng trường đã xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy.

Trước đó, cũng tại TP Nha Trang đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể tại quán cơm gà Trâm Anh khiến 369 người phải nhập viện.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra khiến bạn đọc bày tỏ sự lo ngại đáng quan tâm về vấn đề an toàn thực phẩm cũng như việc quản lý an toàn thực phẩm nói chung và ở món ăn được xem là rất phổ biến và quen thuộc này.

Lo ngại về an toàn thực phẩm trước cổng trường

“Tôi sợ nhất là các loại món ăn được chế biến từ thịt gà như cơm gà xối mỡ, gà luộc, gà rán thậm chí là cháo gà. Bởi hầu hết các quán ăn chỉ dùng gà công nghiệp trữ đông, hoặc gà trữ đông thời gian dài nhập khẩu về Việt Nam với giá rất rẻ để có lợi nhuận cao. Những loại thịt gà trữ đông thường được bảo quản không tốt, không ổn định về nhiệt độ thậm chí có dòi và bị phân hủy. Vì thế thật sự lo ngại về việc nguồn gốc của các loại thịt này”, bạn đọc Nam Trân lo lắng.

“Lúc trước tôi đã từng làm ở cửa hàng giao gà nên tôi rất rõ. Bây giờ tôi không dám cho vợ con đụng đến món nào mà có gà trữ đông vì chất lượng rất kém, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi thực sự rất bức xúc nhưng cũng không biết cách làm sao để chấm dứt vấn nạn này”, bạn đọc Hải Nguyễn bức xúc.

“Mấy cái tương đỏ, tương đen của mấy quán vỉa hè thường không có nhãn mác xuất xứ. Nhiều người bán hàng chỉ quan tâm nhập nguyên liệu giá rẻ và ăn sao khách không chê chứ họ không quan tâm nó làm từ gì, có vệ sinh không, có hại cho sức khỏe hay không?”, bạn đọc Thanh Nguyễn lo ngại.

Bạn đọc Thanh Nguyên cũng bày tỏ: Bản thân tôi là một phụ huynh có con đang học tại trường. Mỗi buổi chiều đón con, tôi lại nhìn thấy những người bán hàng rong đứng trên lề đường bán đồ ăn cho các con mà sử dụng những loại tương, dầu ăn và thực phẩm không rõ nguồn gốc khiến tôi rất lo sợ. Tuy vậy, các con vẫn rất thích ăn những loại thực phẩm đó khiến bản thân tôi rất lo ngại”.

ngộ độc sau khi ăn cơm gà
Món nui xào gà bán trước cổng trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Bệnh nhân cung cấp

Cần đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

“Tôi không biết TP Nha Trang có các bộ phận quản lí an toàn thực phẩm trước các trường học hay không trong khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc liên quan đến thịt gà mà vẫn chưa được xử lý triệt để, chứng tỏ còn lỏng lẻo trong khâu quản lý. Tôi mong thành phố sẽ có biện pháp xử lí phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ ngộ độc thực phẩm. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân mà còn làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch của địa phương”, bạn đọc Nguyễn Bảo bộc bạch.

“Tôi thấy cần phải đẩy mạnh việc thanh tra những cá nhân hay những hàng quán buôn bán thực phẩm ngay trước các cổng trường để kiểm soát được mức độ an toàn thực phẩm, tránh các trường hợp ngộ độc đáng tiếc xảy ra với học sinh qua vụ việc tại Nha Trang lần này”, bạn đọc Thảo Nguyễn bày tỏ.

Bạn đọc Quỳnh Thanh chia sẻ: “Theo mình thì việc ngộ độc thực phẩm thường do những người buốn bán hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân nên giá thành rẻ khiến chất lượng thực phẩm kém. Không loại trừ người bán sử dụng các loại thịt gà trữ đông, sử dụng hóa chất nên sẽ có nguy cơ gây ngộ độc. Vì thế, thực khách cần phải lựa chọn các quán ăn làm việc minh bạch, đặt cả cái tâm vào nghề mà không sử dụng các loại thịt mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm”.

"Hàng năm, chúng ta đều phát động Tháng hành động rồi sau đó là ồ ạt các đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, thức ăn nhưng lại không thường xuyên. Còn các hàng quán lề đường hay quá cóc, đặc biệt là hàng quán trước cổng trường, các địa phương lại chỉ làm theo kiểu "đẩy - đuổi". Ra quân thì họ dẹp, chạy nhưng khi lực lượng chức năng rút đi, họ quay trở lại buôn bán bình thường.

Chính vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, không chỉ trong Tháng hành động mà phải xuyên suốt từng năm. Qua đó, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Song song đó, người dân cũng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, đầy đủ thông tin ở các cửa hàng cố định, uy tín, lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi” để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và mọi người. và đặc biệt, đừng phó mặc cho con em mình với gánh hàng rong không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm