TP.HCM sẽ tạo 3 vùng đệm để tiếp nhận hàng hóa, thực phẩm

Hơn 120 chợ truyền thống và ba chợ đầu mối đóng cửa khiến cho người dân đổ xô vào các điểm bán lẻ, siêu thị ngày một gia tăng.

Theo đại diện Satra, sức mua hai ngày nay tăng gấp sáu lần bình thường, chủ yếu với mặt hàng thịt heo và thực phẩm tươi sống. Thậm chí, có trường hợp khách mua đến 5 kg thịt heo để dự trữ.

Khách đến siêu thị gia tăng mạnh. Ảnh:Saigon Co.op

Theo thống kê của Saigon Co.op, lượng khách dồn đến các siêu thị Co.opmart, CCo.opXtra, Co.op Food tăng mạnh, số lượng đơn hàng online cũng tăng gấp năm lần suốt từ trưa 6-7 đến sáng 7-7. 

Các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã tăng lượng dự trữ từ 3-5 lần, các mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt là hàng chống dịch như xà bông, nước rửa tay, khẩu trang... Mục tiêu là đảm bảo cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu sáu tháng tới.

Đại diện Saigon Co.op khẳng định: "Người dân hoàn toàn có thể yên tâm, không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách."

Cũng theo vị này, từ kinh nghiệm phân phối khẩu trang, hàng hóa trong những đợt giãn cách trước, người dân không nên nôn nóng tích trữ hàng hóa, mua sắm dồn dập, vì như vậy sẽ tạo áp lực lớn, gây quá tải hệ thống phân phối dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn. 

 Phía Saigon Co.op cũng cho rằng chính việc tụ tập đông người không cần thiết và thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K của người dân trong thời gian qua đã góp phần đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa.

Do đó, nhằm đảm bảo an toàn trong những ngày này, các siêu thị Co.opmart đã có công tác phân luồng, điều tiết số lượng người vào mua sắm, áp dụng hình thức phục vụ tại chỗ Pick & Ship, đồng thời duy trì nhiệt độ máy lạnh trên 25 độ C....

 Đặc biệt, kể từ ngày 8-7, tùy vào tình hình thực tế tại từng địa phương mà toàn bộ hệ thống Co.opmart trên địa bàn TP.HCM sẽ tăng cường phục vụ người dân từ 6 giờ sáng cho đến khi hết khách, có thể kéo dài đến 24 giờ mỗi ngày.

Bên cạnh đó, hiện nay ngoài việc bán hàng qua điện thoại, hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã liên kết với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Grab... để đồng loạt giao hàng cho khách, phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, cơ quan này đang triển khai các phương án điều tiết hàng hóa, đảm bảo có thể cung ứng đầy đủ cho TP. Do đó, người dân không cần chen nhau mua sắm thực phẩm lúc này.

Nhằm đảm bảo nguồn hàng thông suốt từ các tỉnh, Sở Công Thương đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện hướng dẫn thương nhân đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối tổ chức giao dịch trực tuyến và đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.

Đồng thời, TP quyết định dành ba vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh để tập kết hàng hóa.

Theo đó, hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh đến TP.HCM sẽ được tập kết tại một khu đất trống (diện tích khoảng 1 ha), gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh hai huyện Củ Chi và Trảng Bàng để thực hiện khử khuẩn.

Đồng thời, TP cũng đề xuất ba phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa, đảm bảo hàng lưu thông xuyên suốt trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm