BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thông tin trên tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH năm 2015 do Bộ Y tế tổ chức chiều 14-4.
Theo BS Hưng, số ca mắc SXH tăng một phần là do đuôi dịch SXH của năm 2014 còn cao ở những tháng đầu năm 2015. Mặt khác, do là địa phương đông dân nên TP.HCM có những khó khăn riêng trong hoạt động phòng, chống SXH. TP.HCM cũng có nhiều khu vực chưa xây dựng đề án phòng, chống SXH và những khu này xen cài với khu dân cư.
Ở những nơi chưa xây dựng đề án thường có nhiều nơi nước tù đọng, đây là môi trường phát sinh muỗi. “Bên cạnh đó, địa phương lại không tổ chức tổng vệ sinh cũng như người dân không dọn dẹp quanh nhà nên có nhiều nguy cơ hình thành ổ dịch bệnh” - BS Hưng nói.
Cũng theo BS Hưng, năm 2015 sẽ tăng cường vai trò giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đối với hoạt động phòng, chống dịch SXH ở 24 quận, huyện. Hiện TP.HCM đã thành lập bốn đội giám sát dịch bệnh ở các địa phương.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết năm 2014 cả nước ghi nhận gần 32.000 ca mắc SXH tại 50 tỉnh, TP. Trong đó có 20 trường hợp tử vong. So với năm 2013, số ca mắc SXH cả nước giảm gần 52%, số ca tử vong cũng giảm hơn 52%.
“Năm 2015, dự báo dịch SXH diễn biến phức tạp do tình hình SXH tại nhiều nước trong khu vực gia tăng. Bên cạnh đó, theo dõi từ năm 1980 đến nay cho thấy chu kỳ dịch xảy ra trung bình 4-5 năm. Tuy năm 2014 số ca mắc SXH giảm nhưng có nguy cơ gia tăng trong năm 2015 nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống chủ động, tích cực” - ông Phu lưu ý.