TP.HCM tập trung giải ngân đầu tư công, thúc đẩy kinh tế phát triển

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay sẽ nỗ lực trong giải ngân đầu tư công, tạo sự chủ động cho năm 2024, thúc đẩy kinh tế TP phát triển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày làm việc thứ hai (7-12), kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, các đại biểu đã chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về công tác điều hành trên nhiều lĩnh vực.

TP.HCM tập trung giải ngân đầu tư công, thúc đẩy kinh tế phát triển
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu các giải pháp cho năm 2024 để TP đạt mức tăng trưởng cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giải ngân đầu tư công không dưới 80%

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có những chia sẻ xoay quanh công tác giải ngân đầu tư công của TP.HCM. Theo đó, tính đến ngày 6-12, TP giải ngân 35.157 tỉ đồng, đạt 51,2%.

“Nếu xét phần trăm thì đây là con số thấp nhưng xét về mặt khối lượng thì đây là sự nỗ lực. So sánh bộ máy, con người của TP hiện tại với năm 2022 thì thấy con số này là gấp đôi, cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống” - ông Mãi nói và cho biết đến hết tháng 1-2024, TP phấn đấu đạt 95% với các dự án thuận lợi và cơ bản không dưới 80%, không thấp hơn năm 2022.

“Cử tri và nhân dân có quyền được biết về tiến độ thực hiện những gì đã hứa trước HĐND, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ HĐND đã giao...”

Chia sẻ thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM nói ông nhận nhiệm vụ đến nay là hai năm. Năm 2022, kế hoạch đầu tư công cơ bản được định hình. Năm 2023, kỳ vọng sẽ cải thiện giải ngân đầu tư công nhưng còn phải xoay trở, ứng phó, chưa có sự chủ động.

Nguyên nhân là các dự án TP triển khai trong danh mục đầu tư công của kỳ trung hạn hầu hết là các dự án chuyển tiếp. Hồ sơ các dự án này có những điểm cần cập nhật nên bị động về mặt thời gian.

Ông Phan Văn Mãi đề cập thêm nguyên nhân là không phải chủ đầu tư nào cũng tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án. “Cuối năm nay, TP sẽ chỉ ra chủ đầu tư nào và dự án cụ thể nào để có hình thức phù hợp” - ông nói và cho biết năm 2024 sẽ chủ động trong công tác giải ngân.

Về giải pháp, ông Mãi cho biết sẽ tiếp tục phát huy các giải pháp hiệu quả đã thực hiện trong năm 2023, tổ chức hội nghị về đầu tư công, ưu tiên hoàn thành thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng trong hai quý đầu của năm 2024, để sáu tháng cuối năm tập trung công tác xây lắp.

Trước đó, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chậm giải ngân đầu tư công là do chưa có tính toán kỹ về chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, có ba nhóm dự án với tổng vốn gần 17.000 tỉ đồng (chiếm 25% tổng số vốn năm 2023) dự báo không thể giải ngân trong năm 2023...

Cùng ngày, 81 đại biểu HĐND TP.HCM đã lấy phiếu tín nhiệm với 31 chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Kết quả, người có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM Nguyễn Văn Nam, đều được 73 phiếu.

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam được 71 phiếu tín nhiệm cao; Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Phạm Quỳnh Anh được 70 phiếu. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng đều có số phiếu tín nhiệm cao là 69 phiếu...

Chọn tăng trưởng cao để tự thách thức mình

Về nhiệm vụ trong năm 2024, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay TP đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP là 7,5%-8%.

“Đây là chỉ tiêu rất cao ở thời điểm này. TP đưa ra mục tiêu này dựa theo mục tiêu của Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 và chỉ tiêu này đặt ra là để tự thách thức mình, để tự phấn đấu” - ông Mãi nêu.

Chủ tịch UBND TP cho biết TP lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao nên sẽ cố gắng để xác định trọng tâm điều hành, vận dụng hiệu quả Nghị quyết 98 để có giải pháp đột phá.

Về thực hiện Nghị quyết 98, TP tập trung tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện các nghị quyết HĐND TP đã thông qua. Xây dựng các cơ chế thuộc thẩm quyền của UBND TP, HĐND TP; nghiên cứu các cơ chế vượt trội như triển khai TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược, huy động nguồn lực phát triển đường sắt đô thị TP.

Nói thêm một số nhiệm vụ trọng tâm khác trong năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP tập trung vào đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm dịch vụ lớn về du lịch; hoàn thiện chủ trương phát triển trung tâm tài chính quốc tế, kỳ vọng kịp trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2024.

TP.HCM cũng sẽ tập trung chi cho khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động xã hội, hoàn thiện đề án phát triển logistics, triển khai khung chiến lược; xây dựng đề án phát triển công nghiệp trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp dẫn đầu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

TP.HCM cũng đẩy nhanh công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch phân khu. Hiện nay, lĩnh vực quy hoạch còn có sự chậm trễ vì còn nhiều khó khăn do quy hoạch trước đó để lại.

Ông Mãi thông tin thêm Thanh tra Chính phủ đang thanh tra công tác quy hoạch của TP trong 10 năm trở lại đây nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác quy hoạch của TP.HCM.

TP cũng sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, phấn đấu xây dựng 150 ha công viên; hoàn thành tuyến metro số 1; xây dựng hệ thống đường sắt đô thị với 200 km còn lại, triển khai dự án đường vành đai 2, đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 3, đường vành đai 4, cầu Cần Giờ, bờ bắc kênh Đôi...

Về nhu cầu nhà ở xã hội, hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định vẫn kiên trì kế hoạch phát triển nhà ở. Dự kiến đến năm 2024, TP sẽ phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó cố gắng giữ chỉ tiêu xây 6.500 căn nhà ở xã hội.

Tới đây, TP sẽ dùng 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội để tháo gỡ dự án xong về thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai cho được 17 dự án trong năm 2024 và tập trung phát triển nhà ở cho thuê tại các khu tập trung đông công nhân lao động...

Triển khai dự án theo hình thức PPP phải nhanh gọn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Đức nói TP.HCM đã trình danh mục 41 dự án giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết với 41 dự án trình HĐND TP lần này, TP.HCM đã tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch, vận dụng cơ chế của Nghị quyết 98 để tăng tính khả thi. Ngay khi HĐND TP thông qua, UBND TP sẽ khẩn trương ban hành quy trình bộ hồ sơ thủ tục, làm sao khi triển khai dự án theo hình thức PPP phải nhanh gọn hơn đầu tư công.

“Dự án nào làm ngay được thì tập trung làm để dứt điểm sớm vì kinh nghiệm của chúng ta là chủ trương đúng nhưng quá trình triển khai kéo dài, pháp lý thay đổi nên bị mắc lại” - ông Mãi nói.

Sẽ giám sát những nội dung đã hứa

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, HĐND TP.HCM sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát, tái giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, những vấn đề bức xúc nổi lên.

“Mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng HĐND, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và những gì đã hứa trước HĐND, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ HĐND đã giao cần phải được hoàn thành” - bà Lệ nói.

Bà cũng cho hay thông qua hoạt động giám sát, HĐND đồng hành cùng chính quyền, hệ thống chính trị nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của TP.HCM...•

P3_MAU_HĐND_nhomPV.jpg
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng trao đổi tại hội trường. Ảnh: NGUYỆT NHI

Năm 2024, TP.HCM sẽ hoàn thành dữ liệu đất đai, xây dựng

Tại phiên thảo luận hội trường của kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được đại biểu nêu ra và được giám đốc các sở, ngành giải đáp.

Về công tác chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng cho biết trong ba năm gần đây, TP.HCM giữ vị trí nằm trong năm tỉnh, thành đứng đầu cả nước về chuyển đổi số, vừa qua UBND TP.HCM cũng được trao giải Chính quyền số xuất sắc năm 2023...

Tuy nhiên, trong thời gian tới, TP.HCM cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chuyển đổi số là quá trình đòi hỏi thời gian, sự đầu tư về công nghệ, kiến tạo thể chế, quy trình về mặt nghiệp vụ, chuyên môn nên cần có lộ trình thực hiện.

Những hệ thống thông tin TP.HCM đầu tư trước đây đã cũ. TP gặp khó trong việc chuẩn hóa và tích hợp những hệ thống này vào hệ thống mới. Mặt khác, việc chuyển đổi số còn khó khăn do nhiều người dân, cán bộ chưa có thói quen hoạt động trên môi trường số như chữ ký số, văn bản số, giấy phép số...

Ông cho biết trong tháng 12 này, TP.HCM sẽ công bố nền tảng mới là Lắng nghe mạng xã hội (Social Listening), giúp các địa phương biết người dân quan tâm vấn đề gì mỗi tuần.

Năm 2024, TP.HCM sẽ hoàn thành hai hệ thống quan trọng là hệ thống thông tin quản lý đất đai và giấy phép xây dựng; thành lập trung tâm chuyển đổi số; tham mưu lãnh đạo TP quản trị trên các nền tảng số để việc vận hành công việc ngày càng hiệu quả hơn.

Về vấn đề quy hoạch, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã cho biết giai đoạn trước, các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của TP chưa có tính khả thi cao, việc bố trí chức năng chưa thực sự phù hợp. Riêng số lượng quy hoạch phân khu lớn với khoảng 600 đồ án, đã tồn tại nhiều năm.

Hiện nay, Sở QH-KT đang tập trung điều chỉnh quy hoạch chung của TP, định ra được những cấu trúc không gian, tìm những động lực phát triển bền vững hơn, phân bố dân số phù hợp hơn.

Đồng thời, rà soát các vướng mắc cần giải quyết để phát triển đa trung tâm, không dồn nén vào trung tâm, cải thiện chỉ tiêu cây xanh, giao thông, giáo dục, y tế công cộng tăng tính khả thi, không để gặp bất cập hạn chế đồ án.

“Mong đại biểu chia sẻ và cảm ơn người dân đã chịu đựng những hậu quả của quy hoạch trong thời gian qua. TP đang xem xét khắc phục những hạn chế này. Sở đang thực hiện đến giai đoạn giữa kỳ của đồ án quy hoạch chung, có thể tháng tới sẽ hoàn thành trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng phê duyệt” - ông Nguyễn Thanh Nhã nói và cho biết dự kiến quý I-2024, Sở QH-KT sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Về tình hình khan hiếm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết đây cũng là vấn đề mà sở lo lắng nhiều tháng qua.

“Hàng chục năm qua, chưa bao giờ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng thiếu như bây giờ” - ông Tăng Chí Thượng nói và lý giải nguyên nhân của việc này là do Bộ Tài chính không còn cấp ngân sách cho Bộ Y tế để cung ứng vaccine mà chuyển thành chi thường xuyên.

Từ đầu năm 2023, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành tự đấu thầu vaccine tiêm chủng mở rộng nhưng không có tỉnh, thành nào làm được.

Trước tình hình đó, tháng 7-2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính giao kinh phí cho Bộ Y tế để tiếp tục cung ứng vaccine giống 10 năm qua.

“Đến nay chúng tôi đang chờ và đã liên tục tham mưu cho UBND TP có văn bản báo Bộ Y tế là vaccine đã hết dần” - ông Tăng Chí Thượng cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm