TP.HCM: Tháng 3, giữ ổn định giá thực phẩm thiết yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Chiều 14-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo, thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, từ nay đến cuối tháng 3-2022, giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được giữ ổn định. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giá cả ở chợ truyền thống có xu hướng tăng

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết qua theo dõi trên các hệ thống phân phối, thời gian qua giá cả tương đối ổn định, hàng hóa có giá thống nhất.

Theo ông Phương, doanh nghiệp nhận được nhiều đề xuất điều chỉnh tăng giá của nhà cung cấp. Tuy nhiên, tới nay gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét, điều chỉnh. Hệ thống này đang rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố đầu vào, nếu đề xuất có cơ sở hợp lý thì mới nghiên cứu để thay đổi.

Ông cho biết doanh nghiệp đã cam kết giữ giá hàng hóa ổn định một tháng trước và sau tết Nguyên đán. Do đó người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được giữ ổn định.

Tuy nhiên, về giá hàng hóa tại chợ truyền thống, ông Phương cho biết phụ thuộc vào lượng hàng, lượng khách mua sắm nên giá sẽ được điều chỉnh liên tục. “Những ngày qua, có dấu hiệu giá một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả có chiều hướng tăng” - ông Phương nói và cho biết nguyên nhân tăng là do chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu phục vụ công tác tưới tiêu tăng, ảnh hưởng đến giá hàng hóa.

TP.HCM vẫn duy trì bình ổn thị trường, trong đó có mặt hàng đặc biệt là lương thực, thực phẩm thiết yếu. Một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30%-50% thị phần. 

Các cơ sở giáo dục phải thống nhất về xác định F1

Tại họp báo, Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: Hiện nay, các trường học khi phát hiện F0, cách xác định F1 theo hình dấu + trong sơ đồ lớp. Điều này làm cho nhiều học sinh trở thành F1 và phải nghỉ học để cách ly ở nhà. Cùng thực hiện các quy định phòng chống dịch nhưng có trường trên địa bàn quận 3 lại có cách thực hiện được nhiều phụ huynh đồng tình, theo đó chỉ có một bạn ngồi cạnh F0 được xác định là F1. “Vậy nên chăng đã đến lúc cần xem lại việc xác định F1 trong trường học để đỡ vất vả cho phụ huynh và học sinh?” - PV đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ngành giáo dục TP đang rất cố gắng và nỗ lực để làm sao trẻ em được đến trường học trực tiếp. Các cơ sở y tế cũng đang rất nỗ lực để giúp cho ngành giáo dục xác định được F0, F1. “Khi xác định thì chúng tôi xác định theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với những đối tượng phải cách ly, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể. Theo đó, nhà trường, người đứng đầu đơn vị phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch vừa dạy học trực tuyến vừa trực tiếp. Với học sinh F0 và F1 đều phải cách ly thì phải có lớp học trực tuyến trong thời gian này” - ông Minh nói và cho biết trong tuần sau sẽ có đoàn đi kiểm tra việc này để đảm bảo các em F0, F1 đều được học tập, tránh tâm lý, áp lực cho các em.

Ông Minh khẳng định ngành giáo dục không xác định được F0, F1 mà việc xác định này là của cơ sở y tế, giáo dục trên quy định của ngành y tế. “Khi xác định F1, các cơ sở giáo dục phải thực hiện thống nhất về quy trình, hướng dẫn. Những đơn vị nào đang thực hiện chưa đồng nhất thì chúng tôi sẽ có đợt kiểm tra, giám sát để tạo niềm tin cho phụ huynh” - ông Minh nói.

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về quan điểm của Sở GD&ĐT về việc một số người đề nghị nên chăng cho học sinh từ khối lớp 6 trở xuống quay lại học online bởi đối tượng này chưa tiêm vaccine. Ông Minh cho biết hiện tại ngành giáo dục TP.HCM đang thực hiện song song hai nội dung học trực tiếp và trực tuyến. “Chúng tôi thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Ngay cả phụ huynh các em học sinh không phải F0, F1 nhưng vì một lý do nào đó còn cảm thấy lo lắng, chưa yên tâm thì có thể cho các em học trực tuyến ở nhà” - ông Minh nói.•

Bộ Y tế: Không có chuyện F0 được ra khỏi nhà

Tối 14-3, Bộ Y tế cho biết trước việc dư luận có nhiều cách hiểu khác nhau về một số điểm tại Quyết định 604/QĐ-BYT, tổ biên tập đã điều chỉnh lại cho rõ, tránh hiểu lầm:

Cụ thể, tại mục 5.4: “a. Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác” sẽ được nói rõ, cụ thể là:

“a. Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà”.

Mục 5.1.3: Người lớn (trên 16 tuổi) đính chính là người trên 16 tuổi.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 gồm cả hướng dẫn cho trẻ nhỏ và người lớn. Trong đó, tại mục 5.4 có quy định các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm mà người mắc COVID-19 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà phải thực hiện.

Theo đó, người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác. Nội dung thông tin bị nhiều người hiểu lầm rằng F0 được ra khỏi nhà.

Tại hướng dẫn mới, Bộ Y tế khuyến cáo F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết gồm: nhiệt kế, máy đo SpO2 cá nhân (nếu có), khẩu trang y tế, phương tiện vệ sinh tay, vật dụng cá nhân cần thiết, thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

Ngoài ra, chuẩn bị phương tiện liên lạc: điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sĩ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện…). NHƯ LOAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm