Trên đây là cảnh báo của BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ngày 29-3. Theo BS Dũng, sốt xuất huyết (SXH) rơi vào người lớn, xảy ra nhiều nhất ở các quận 2, 9, Thủ Đức và Bình Thạnh. Thống kê cho thấy tỉ lệ người lớn và trẻ em mắc SXH ở các quận nói trên là 50-50.
“Các quận nói trên có nhiều dân nhập cư đến từ miền Bắc và miền Trung sinh sống. Trong khi đó hai khu vực này hầu như không lưu hành bệnh SXH nên dân đến sống tại đây không miễn nhiễm với bệnh, rất dễ mắc bệnh” - BS Dũng giải thích.
Mặc dù bệnh SXH rất nguy hiểm nhưng theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thì hầu như người dân không sợ. “Chỉ đến khi có người chết vì SXH thì dân trong khu vực mới dè chừng” - BS Hưng nhận định.
Trước đó, TP.HCM có hai ca tử vong liên tiếp do SXH xảy ra trên địa bàn quận 12 trong tháng 3-2017. Nạn nhân là một bé gái chín tháng tuổi (phường Đông Hưng Thuận) và một bệnh nhân nữ 36 tuổi (phường Hiệp Thành).
Mới đây, ngày 27-3, sau khi có kết quả điều tra, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM chính thức báo cáo thêm một trường hợp tử vong SXH ở người lớn. Đó là bệnh nhân TQC (51 tuổi, ở phường 1, quận 5).
Khai thác bệnh sử cho thấy ông C. sốt, nhức đầu, ăn uống kém… tự mua thuốc điều trị tại nhà. Ngày hôm sau, ông C. sốt 40°C, toàn thân nhức mỏi, nổi ban và đến khám ở một bệnh viện, được chẩn đoán nhiễm siêu vi. Sau khi hết sốt, tỉnh táo, ông C. xin xuất viện.
Qua ngày hôm sau, ông C. sốt cao trở lại, người lạnh run, ho ít, da niêm xung huyết… Ông C. đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM khám và được cho nhập viện điều trị với chẩn đoán SXH ngày năm.
Một ngày sau nhập viện, ông C. tím tái, mê man, tay chân lạnh, da nổi bông. Kết quả chẩn đoán xác nhận ông C. bị SXH nặng ngày bảy, thể sốc, suy đa tạng, viêm cơ tim. Do bệnh mỗi lúc mỗi nặng nên gia đình xin đưa về và ông C. tử vong sau đó.
BS Lâm Sanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 5, cho biết sau khi ông C. tử vong, địa phương đã xử lý ổ dịch và phun hóa chất. Đến nay không ghi nhận thêm ca mắc SXH mới.
Như vậy, từ đầu năm 2017 đến nay TP.HCM ghi nhận ba ca tử vong do SXH, trong đó có hai người lớn. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng cho thấy từ đầu năm 2017 đến 16-3 ghi nhận hơn 4.940 ca nhập viện do SXH, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2016 (hơn 5.590 ca).
Nhằm đánh giá tình hình SXH tại các ổ dịch để đưa ra những giải pháp dập dịch kịp thời và hiệu quả, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã xây dựng kế hoạch giám sát huyết thanh SXH giai đoạn năm 2017. Theo bà Nguyễn Thị Vy Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, địa điểm giám sát huyết thanh thường quy là tại các bệnh viện quận, huyện và những địa phương đã xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó hoạt động giám sát huyết thanh cũng được thực hiện hằng tháng, kể từ tháng 4-2017.