Cùng với sự phát triển kinh tế, TP.HCM ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ thực tế đó, năm 2011, TP đã xác định giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2011-1015. Tuy nhiên, các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường chưa được đầu tư đồng bộ và triển khai rộng rãi.
Vì lợi ích chung
Trong những năm qua, Sở TN&MT luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tuyên truyền, tập huấn cho người dân thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng kết quả vẫn chưa được như mong đợi bởi thiếu vắng sự góp sức từ các cơ quan, doanh nghiệp, người dân… Cùng chung tay với Sở, báo SGGP phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM triển khai thí điểm phân loại rác tại hộ gia đình. Chiến dịch diễn ra trong các tuần từ tháng 12-2013 đến 1-2014 tại tuyến đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú.
Trước đây, chúng ta thường có thói quen thải tất cả loại rác với nhau. Do vậy, thực hiện phân loại rác tại nguồn góp phần giảm chi phí vận chuyển, xử lý mùi, nước rỉ rác. Đồng thời, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp rác cũng như bớt đi các tác động tiêu cực đến môi trường. Để thực hiện được điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan chức năng. Đồng thời, đó còn là tinh thần tự giác, vì lợi ích chung của người dân.
Rác cần được phân loại trước khi thải ra môi trường. Ảnh: NGỌC CHÂU
Trong khuôn khổ thí điểm chiến dịch, Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM tặng hai cuộn túi nylon tự hủy cho mỗi hộ dân. Trong đó, túi màu xanh chứa các chất thải hữu cơ dùng làm phân compost như nhánh cây, hoa quả, cỏ, gỗ có kích thước nhỏ, thức ăn thừa, bánh kẹo, thực phẩm từ sữa, giấy vụn, khăn giấy, giấy vệ sinh… Túi màu vàng chứa các chất thải vô cơ như bao bì nhựa, lon nước ngọt, bia, nước trái cây, đồ hộp, chai xịt nước hoa, chai lọ, ly, dĩa thủy tinh, đồ sành sứ, bao nylon, bụi, tro, gạch, đất, cát... Toàn bộ chất thải rắn sẽ được thu gom bằng các thiết bị, phương tiện riêng biệt.
Giữ gìn TP sạch, đẹp
Trong công tác xử lý, chất thải hữu cơ chuyển làm phân compost; chất thải vô cơ, chất thải khác được phân loại tại Trạm trung chuyển số 1, Tống Văn Trân. Tại đây, thành phần chất thải vô cơ tái sinh, tái chế được sẽ sử dụng để tái chế; thành phần vô cơ không tái chế được sẽ xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Chất thải còn lại sẽ áp dụng phương pháp đốt hoặc hóa rắn chôn lấp an toàn.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, lực lượng tình nguyện viên phối hợp với thanh niên địa phương, tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, các bạn sẽ dùng kiến thức này để tuyên tuyền đến người dân trong việc gìn giữ cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom rác thải tại địa phương.
Song hành với nỗi lo giải quyết rác thải, chúng ta cần chú ý tới việc xây dựng những khu phố, tuyến đường xanh làm mẫu hình nhân rộng ra nhiều khu vực khác. Chúng ta cần tuân thủ những tiêu chí mẫu cụ thể, biểu hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, phương tiện thông tin truyền thông và cơ quan chức năng. Trong đó, cộng đồng sẽ đóng vai trò gìn giữ và phát huy mô hình khu phố xanh. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Để làm được điều này, bạn chỉ cần thực hiện những việc rất đơn giản. Chẳng hạn như không xả rác, đổ nước thải, khạc nhổ ra đường phố; không treo quần áo ở nơi công cộng làm mất vẻ mỹ quan đô thị; không viết ,vẽ bậy lên tường, không cho thú nuôi phóng uế ra đường…
NGỌC CHÂU