Chiều 3-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP tuần qua.
Sắp xếp lại sáu quận
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiếu, đại diện Sở Nội vụ TP, đã có thông tin về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) trên địa bàn.
Theo ông Hiếu, căn cứ vào Nghị quyết 117/2023 về sắp xếp các ĐVHC, Sở Nội vụ TP đã rà soát và nhận thấy TP.HCM có sáu ĐVHC cấp quận, huyện và 149 ĐVHC cấp phường, xã chưa đảm bảo các tiêu chí về diện tích, dân số.
|
Ông Nguyễn Văn Hiếu, đại diện Sở Nội vụ TP, thông tin về việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN NHÂN |
Trong 149 ĐVHC cấp phường, xã thì có bảy ĐVHC cấp xã đã sắp xếp từ trước nên không thuộc diện sắp xếp. Còn lại có 142 phường, xã thuộc diện sắp xếp.
Dịch tay-chân-miệng còn kéo dài khoảng 3-4 tháng nữa
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết dịch bệnh tay-chân-miệng (TCM) tại TP.HCM bắt đầu tăng từ tuần cuối của tháng 5 và tăng rất nhanh sau đó. Hai tuần gần đây, mức tăng có chậm hơn.
“Nhìn lại mùa dịch hai năm 2011 và 2018 (năm có sự lưu hành của chủng virus EV71 như năm nay), một mùa dịch TCM sẽ kéo dài khoảng 5-6 tháng. Hiện dịch TCM mới bắt đầu khoảng hơn hai tháng, chúng ta sẽ phải tiếp tục có những giải pháp phòng tránh, ứng phó với dịch TCM trong khoảng 3-4 tháng nữa, dịch bệnh mới có thể lắng xuống” - bà Nga nói. V.THƠ
“Sáu ĐVHC cấp quận, huyện thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này là các quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận” - ông Hiếu thông tin.
Ông Hiếu cũng cho biết Nghị quyết 35 có quy định bốn trường hợp đặc thù không thể sắp xếp.
Thứ nhất, ĐVHC có vị trí biệt lập, có tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các ĐVHC liền kề.
Thứ hai, có địa giới ĐVHC đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi.
Thứ ba, có vị trí địa lý về quốc phòng, an ninh; có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa nổi bật, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với ĐVHC liền kề khác sẽ đánh mất ổn định quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Thứ tư, ĐVHC tham mưu việc sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thành ĐVHC đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn ĐVHC đô thị theo quy định.
“Hiện Sở Nội vụ đang phối hợp với 22 quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát từng phường, xã để xem ĐVHC nào có trong cơ chế đặc thù thì báo cáo cho các cấp có thẩm quyền để không sắp xếp đơn vị đó” - ông Hiếu cho hay.
Triệt xóa 27 app cho vay tín dụng đen
Cũng tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, đã thông tin về việc xử lý các tổ chức tín dụng đen trên địa bàn.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, tình hình các băng nhóm hoạt động tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua app đang diễn biến phức tạp.
TP.HCM xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.
“Lãi suất trong các hợp đồng cho vay trực tuyến này thường không vượt quá 20%/năm. Tuy nhiên, người đi vay sẽ phải trả thêm các loại phí như phí dịch vụ, phí phạt. Do đó, lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng. Khi hết kỳ hạn vay tiền, khách vay sẽ chuyển trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý” - Thượng tá Lê Mạnh Hà nêu thực tế.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 đối tượng; triệt xóa 27 app cho vay tín dụng đen như Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay...
Đề xuất ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội nếu sinh đủ hai con
Tại cuộc họp báo, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, đã thông tin về các vấn đề liên quan đến việc tổng tỉ suất sinh của TP.HCM đang ở mức rất thấp.
Theo bà Như, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định 659 ngày 2-3-2023 về chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030. Đồng thời đề xuất trong dự thảo về chính sách dân số tại TP.HCM đến năm 2030, dự định sẽ trình UBND TP.HCM trong kỳ họp gần nhất.
“Trong dự thảo này có một số hướng dẫn để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số” - bà Như cho hay.
Một số chính sách được đề xuất tại dự thảo gồm: ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con; hỗ trợ viện phí, kinh phí đồng chi trả ngoài BHYT thanh toán cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn để nâng cao chất lượng dân số... T.PHƯƠNG