Việc sáp nhập huyện, xã phải gắn với bộ máy tinh gọn, hiệu quả

(PLO)- Thủ tướng lưu ý việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Số lượng huyện, xã cần sắp xếp của TP.HCM “rất lớn”

Phát biểu từ đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay giai đoạn 2019-2021, TP.HCM đã sắp xếp ba quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để lập TP Thủ Đức và sắp xếp 19 phường. Qua đó, TP giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện; 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu từ đầu cầu TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu từ đầu cầu TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Tuy nhiên, theo ông Mãi, TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất. Đặc biệt, việc sắp xếp này cũng ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Ông dẫn chứng TP Thủ Đức trước đây đã tách ra, rồi gần đây nhập vào đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư, tình cảm, hoạt động kinh doanh, sinh hoạt đời sống của người dân. “Đây là bài học thực tiễn rất lớn đối với TP.HCM trong quá trình sắp xếp sắp tới” - ông Mãi nói.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng thông tin TP.HCM có sáu ĐVHC cấp huyện và 149 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. TP đang tập trung chỉ đạo lập phương án, xây dựng và hoàn thành đề án theo đúng tiến độ quy định, trình Thủ tướng phê duyệt chậm nhất vào ngày 31-10.

Lấy ý kiến cử tri những nơi thực hiện sắp xếp

Ngay trước hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 117 về kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2024 phải hoàn thành việc sắp xếp những ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp của giai đoạn này. Cùng đó, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức.

Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có đơn vị mới hình thành sau sáp nhập. Đặc biệt, để đảm bảo sự đồng thuận, Chính phủ yêu cầu phải tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan.

Ông Mãi khẳng định TP.HCM xác định việc sắp xếp các ĐVHC phải gắn sát với việc lập quy hoạch TP, rà soát quy hoạch chung của TP, đặc biệt gắn sát với việc triển khai đề án xây dựng nền công vụ TP hiệu lực, hiệu quả.

Trao đổi lại sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá số lượng ĐVHC mà TP.HCM cần sắp xếp giai đoạn 2023-2025 là rất lớn. Bộ trưởng mong Bí thư Thành ủy TP.HCM có chỉ đạo đồng bộ, cân nhắc, thận trọng khi sắp xếp, vì TP có những đặc thù “rất riêng”, khi nhiều nơi diện tích rất nhỏ nhưng số dân lại rất lớn.

Người đứng đầu ngành nội vụ khẳng định sẽ cùng các bộ, ngành trung ương và TP.HCM giải quyết các vấn đề liên quan trong và sau quá trình sắp xếp.

“Việc phải làm”

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc sắp xếp các ĐVHC chúng ta làm qua nhiều thời kỳ khác nhau, có lúc nhập vào, có lúc tách ra. Đó là công việc bám sát tình hình thực tiễn, lúc này cần tách ra, lúc khác thấy không hợp lý thì nhập lại. “Qua mỗi lần sắp xếp như vậy, chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn” - ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá quá trình thực hiện sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 cơ bản tốt, dù có một số khó khăn. Theo ông, việc sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách có nơi, có lúc chưa kịp thời, gây ảnh hưởng tâm tư, tình cảm, quyền lợi của cán bộ, ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, doanh nghiệp.

Cạnh đó, chất lượng đô thị một số ĐVHC hình thành sau sắp xếp chưa đảm bảo theo quy định. “Điều này cũng là đương nhiên” - Thủ tướng nhận xét và nhấn mạnh chúng ta phải chấp nhận vì đây là việc phải làm.

Thủ tướng lưu ý việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số, xã hội số; tạo ra không gian phát triển mới, tư duy mới, tạo ra giá trị mới…

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, tạo sự đồng thuận của người dân, chống mọi biểu hiện tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong sắp xếp. “Chúng ta chưa phát hiện ra vấn đề này nhiều nhưng phải phòng ngừa, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng cả về vật chất, tổ chức cán bộ và những lợi ích khác” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết sau hội nghị này, Chính phủ sẽ thành lập ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm trưởng ban, để đôn đốc triển khai công việc, nắm bắt các vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền.

Đối với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần sớm xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Ông lưu ý cần chú trọng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; bố trí, xử lý trụ sở làm việc và tài sản công; các chế độ, chính sách đặc thù; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và ổn định đời sống của nhân dân ở những nơi thực hiện sắp xếp.

Tránh sắp xếp huyện, xã cầm chừng, dồn việc cho giai đoạn sau

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 được tiến hành khẩn trương hơn, kỹ hơn, nhanh hơn. Các địa phương cơ bản đến giờ phút này đã xác định rõ cơ bản số lượng ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện phải sắp xếp…

Tuy nhiên, theo ông, giai đoạn này có một số khó khăn, như số lượng phải sắp xếp nhiều hơn giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn này có 58 tỉnh sắp xếp, sẽ sắp xếp 33 huyện và 1.327 xã.

Theo ông Định, lần này sẽ sắp xếp đô thị, nhập một phần hoặc toàn bộ nông thôn vào đô thị. Mặt khác, việc sắp xếp lần này phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị. Do đó, việc sắp xếp lần này phải làm đồng thời với công tác quy hoạch.

Cái khó nữa là lần này thời gian thực hiện không có nhiều. Từ hôm nay (1-8), các địa phương bắt đầu triển khai cụ thể, kế hoạch là xong trước ngày 30-9-2024. “Điều này đòi hỏi từng địa phương phải ban hành kế hoạch cụ thể, có lộ trình, phân chia thời hạn, có từng việc cụ thể thì mới triển khai có kết quả” - ông Định nói thêm.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay việc sắp xếp ĐVHC huyện, xã không chỉ là việc riêng của hệ thống hành chính nhà nước mà đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cả trung ương và địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sắp xếp giai đoạn 2023-2025 cần chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau, tránh tình trạng làm thiếu đồng bộ, cầm chừng, dồn việc cho giai đoạn sau. Bởi dự kiến giai đoạn 2025-2030 sẽ sắp xếp 169 đơn vị cấp huyện, 2.884 đơn vị cấp xã.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm