TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị như ‘mặc áo vest với quần ngắn’

(PLO)- Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị nhưng phải "mặc áo chung" với các địa phương khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-1, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo cấp TP về mô hình chính quyền đô thị thực tiễn và giải pháp áp dụng tại TP.HCM.

TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị như ‘mặc áo vest với quần ngắn’-chinh-quyen-do-thi
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TIÊN NGÔ

Tại hội thảo, các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của UBND và chủ tịch UBND cấp tỉnh nói riêng và các cấp nói chung được nhiều đại biểu quan tâm.

Giảm trách nhiệm tập thể, tăng trách nhiệm chủ tịch

TS Nguyễn Trần Như Khuê, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP.HCM nêu nhiều bất cập về thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh trong mô hình chính quyền đô thị.

Theo TS Khuê, hiện luật chưa quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cùng cấp, gây khó khăn cho quá trình thực hiện công việc của UBND.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy một số trường hợp khẩn cấp, chủ tịch UBND không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý ngay tình huống đó mà lại để UBND họp rồi mới ban hành, dẫn đến không kịp giải quyết vụ việc.

TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị như ‘mặc áo vest với quần ngắn’-chinh-quyen-do-thi
TS Nguyễn Trần Như Khuê, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TIÊN NGÔ

Có trường hợp quyết định của chủ tịch UBND chứa đựng đầy đủ các đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Từ đó, TS Khuê đề xuất phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và chủ tịch UBND theo hướng giảm trách nhiệm của tập thể UBND và tăng thêm trách nhiệm của chủ tịch UBND.

Đồng thời, xác định rõ thực quyền của chủ tịch UBND trong công tác cán bộ. “Chủ tịch UBND được quyền lựa chọn và quyết định về cán bộ khi có nhu cầu” – TS Khuê nói.

Hướng đến mô hình thị trưởng

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nhìn nhận việc TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị là sứ mệnh vinh quang của “người đi đầu”. Đây cũng là nhu cầu cấp thiết đối với thực tế TP.HCM dù là địa phương lớn nhất nước nhưng vẫn "mặc chiếc áo chật" cùng với các tỉnh thành.

Cơ chế vận hành cho chính quyền đô thị hiện chưa có khiến TP.HCM đang gặp khó khăn, TP Thủ Đức hoạt động như đô thị cấp huyện.

TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị như ‘mặc áo vest với quần ngắn’-chinh-quyen-do-thi
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TIÊN NGÔ

Bà Thảo cho rằng cần đề xuất để bộ máy chính quyền đô thị vận hành đồng bộ hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn, bớt tầng nấc hơn. “Một đô thị lớn, đông dân thì phải xử lý công việc nhanh” – bà Thảo nói và cho biết trong thực tế, việc này vẫn chậm, xin - cho rất nhiều.

Từ đó, bà Phạm Phương Thảo đề xuất phải làm cho trách nhiệm của HĐND, UBND, trách nhiệm chủ tịch UBND rõ ràng. “Cái nào thuộc thẩm quyền của UBND, cái nào thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND, phải quy định rõ. Chứ cái gì cũng mang ra xin ý kiến tập thể UB thì công việc sẽ chậm”- bà Thảo nhìn nhận và cho rằng nhiều vấn đề có thể phân cấp cho chủ tịch và chủ tịch uỷ quyền cho phó chủ tịch.

Theo bà, TP.HCM cần hướng tới UB hành chính, chủ tịch là thị trưởng để thấy rõ quyền hành, xử lý công việc nhanh chóng, mạch lạc hơn.

Đồng thời, quản lý nhà nước theo hướng tập trung, trách nhiệm rõ ràng, phân cấp, phân quyền với tinh thần “cấp nào làm tốt nhất thì giao cho cấp đó làm".

Thể thức văn bản "ngộ nghĩnh"

Đồng tình với việc TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị với "chiếc áo quá chật", Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm nhìn nhận: “Đô thị của TP.HCM cùng mặc chung cái áo với các địa phương khác, nói đúng hơn là chưa có một cái áo chính quyền đô thị cho TP.HCM”.

Theo bà Thắm, thực hiện chính quyền đô thị, TP.HCM chuyển từ cơ chế thẩm quyền chung sang thẩm quyền riêng.

“Không có HĐND, chỉ có UBND với cơ chế thủ trưởng, dẫn đến câu chuyện là tại sao văn bản quy phạm pháp luật là chủ tịch UBND quận được ban hành văn bản vi phạm pháp luật nhưng trên tiêu đề văn bản ghi là UBND quận, còn ký lại là chủ tịch UBND quận” – bà Thắm nói và cho rằng thể thức này rất ngộ nghĩnh.

Bà ví von: Coi như ở trên được mặc áo vest nhưng ở dưới là quần ngắn chứ không phải quần dài.

TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị như ‘mặc áo vest với quần ngắn’-chinh-quyen-do-thi
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm nêu ý kiến. Ảnh: HÀ THƯ

Bà Thắm nhìn nhận bất cập này không có bộ, ngành nào gỡ được do chưa có luật riêng về chính quyền đô thị mà đang dùng luật chung, “mặc áo chung”, đến phần nào có liên quan đến chính quyền đô thị thì “cắt” phần đó ra.

Liên quan đến thẩm quyền uỷ quyền của Chủ tịch UBND TP, bà Thắm cho biết TP.HCM có xin. Trước đây chỉ cho chủ tịch ủy quyền sở, ngành, không cho ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, Nghị quyết 98 đã cho phép thực hiện điều này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm