TP.HCM tìm giải pháp giữ chân giáo viên tiểu học

(PLO)-  Với tình trạng học sinh đông, sĩ số cao như hiện nay, không chỉ giáo viên mà quản lý cũng vất vả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sĩ số lớp đông trong khi các bé còn nhỏ, giáo viên (GV) tiểu học vất vả trong việc giảng dạy. Đặc biệt, việc triển khai dạy học hai buổi/ngày khiến công việc tăng gấp đôi nhưng thu nhập chưa tương xứng.

55 học sinh/lớp

Theo điều lệ của trường tiểu học, một lớp chỉ có 35 học sinh (HS) nhưng lớp cô Nguyễn Thị Hồng Điểm (GV Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12) chủ nhiệm có 55 HS.

Đã hơn 20 năm theo nghề giáo, có kinh nghiệm trong việc dạy HS lớp 1 nhưng cô Điểm vẫn thấy “đuối”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Điểm (giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12) đang dạy cho học trò. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Nguyễn Thị Hồng Điểm (giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12) đang dạy cho học trò. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Công việc vất vả, áp lực lắm. Vào lớp 1, các con như tờ giấy trắng nên tôi phải rèn luyện tất cả mọi thứ. Nhiều em đang giờ học đòi chơi, có em đang viết lại đòi về. Thậm chí có những em còn đi vệ sinh trong quần. Do lớp một buổi không có bảo mẫu nên bản thân tôi cũng phải tự giải quyết.

Tôi cũng phải nắm bắt tính cách của từng em để dạy sao cho phù hợp. Với 55 em, đưa các em vào quy củ không phải là điều dễ dàng. Vừa mềm dẻo nhưng nhiều lúc cũng phải cứng thì các em mới nghe. Sáng đầu tóc gọn gàng, áo quần thướt tha tới trường nhưng đến trưa thì bù xù, tơi tả, thậm chí khàn cả tiếng” - cô Điểm bộc bạch.

“Thâm niên trong nghề, lương của tôi chỉ hơn 10 triệu đồng. Do đó nếu được, chỉ mong tăng lương, tăng thu nhập để GV chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề” - cô Điểm nói thêm.

Bà Lê Thị Thúy Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận: “Tôi công tác tại trường 10 năm. Ở địa bàn dân cư đông nên trường chỉ có thể tổ chức một buổi do không đủ phòng học. Việc dạy học một buổi gây thiệt thòi cho HS. Do đó, tôi chỉ có niềm mong mỏi TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm được nhiều ngôi trường mới để giảm bớt sĩ số HS/lớp, từ đó GV lẫn quản lý cũng đỡ vất vả”.

Hiện nay khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, học hai buổi/ngày là bắt buộc, do đó không được thu học phí buổi hai. “Điều này khiến nhiều GV dạy ở trường hai buổi muốn xin chuyển về trường một buổi để giảm áp lực công việc cũng như có thời gian làm việc khác, tăng thêm thu nhập” - bà Bình chia sẻ.

Lớp học tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12 luôn trên 50 học sinh/lớp. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Lớp học tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12 luôn trên 50 học sinh/lớp.
Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô ĐHD (tổ trưởng lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận nội thành) bức xúc: “Tại sao khối 4, 5 học buổi hai lại được thu học phí, trong khi đó dạy buổi hai các lớp 1, 2, 3 lại không được thu? Lớp 1 các em còn nhỏ dạy rất mệt, công việc tăng gấp đôi nhưng thu nhập lại không tương xứng. Mặt khác, ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn phải tham gia hội thi của các ngành, sở có liên quan. Không những thế, đồng lương đã eo hẹp nhưng phải đóng góp rất nhiều quỹ…”.

Tính toán học phí buổi hai

Trước tình hình này, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa đưa ra dự thảo lần một Đề án hỗ trợ GV tiểu học tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.

1.233 là số GV tiểu học nghỉ dạy trong ba năm học từ 2020-2021 đến nay, theo thống kê của Phòng Giáo dục tiểu học.

Thứ nhất, giảm sĩ số còn 35 HS/lớp bằng việc xây dựng thêm trường lớp, hạn chế các hội thi phong trào từ ngành ngang.

Thứ hai, cải thiện thu nhập cho GV bằng cách thêm 25% số lương cơ bản. Đối với GV tiểu học mới ra trường, năm đầu tiên sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở người/tháng, năm thứ hai là 75% và năm thứ ba là 50%. Bên cạnh đó, tính toán học phí buổi hai để bù đắp sức lao động cho GV, đề xuất học phí buổi hai được tính dựa trên cơ sở quy định mức học phí tham chiếu ở cấp tiểu học.

Tại buổi góp ý về đề án, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam khẳng định việc xây dựng đề án chính sách hỗ trợ GV tiểu học nhằm thu hút GV cấp học này tại TP.HCM là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Và để giữ chân GV, thay vì xin cơ chế thì cần tập trung vào hỗ trợ tài chính.

Thu nhập của GV mới ra trường chỉ có 3,3 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của người dân ở TP.HCM. Do đó cần phải xây dựng nghị quyết HĐND về hỗ trợ chính sách giáo dục tiểu học.

“Đề án thu hút GV tiểu học với những chế độ, chính sách phải hết sức cụ thể, thực tế, hợp lý. Có như vậy mới cải thiện được chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, GV tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, nhất là trong giai đoạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018” - ông Nam nhấn mạnh.•

Xã hội hóa giáo dục buổi học thứ hai

Để GV tiểu học yên tâm sống với nghề, ngành GD&ĐT cần phải thực hiện một số giải pháp sau.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước phân bổ trên đầu HS. Do đó, GV dạy lớp trên 35 em như 40 em, hay thậm chí 50 em thì GV phải được tính phụ trội.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT quy định một tuần ngoài giờ lên lớp cần phải họp tổ, khối một lần; một tháng họp hội đồng/lần và họp chuyên môn. Do đó, nếu phòng giáo dục và trường vượt quá quy định thì phải trả tiền cho GV.

Thứ ba, phải có chính sách ưu đãi dành cho GV như hai vợ chồng cùng làm nghề giáo thì phải được ưu đãi về chính sách nhà ở, cho vay lãi suất thấp.

Đặc biệt, phải thực hiện xã hội hóa buổi hai. Do đó, nếu triển khai dạy buổi hai thì cần phải thu học phí. Mức học phí đó bằng hình thức xã hội hóa để tăng thu nhập cho GV.

ThS LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học,
Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm