Nghịch lý: Sinh viên sư phạm ra trường không "mặn mà" với nghề giáo

(PLO)-  Lương thấp, chế độ đãi ngộ không tương xứng khiến nhiều sinh viên sư phạm ra trường không mặn mà với nghề giáo. Trường đại học cứ đào tạo nhưng các trường phổ thông thiếu vẫn cứ thiếu
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực trạng thiếu giáo viên do thu nhập thấp đã được nhiều đại biểu chia sẻ tại hội nghị về công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và kế hoạch chuyển đổi số giáo dục năm 2023 do Sở GD&ĐT tổ chức chiều 3-3.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho biết thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, quận gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên. “Quận nội thành đã khó, các quận vùng ven, ngoại thành càng khó hơn” - ông Tuyên bày tỏ.

Sinh viên sư phạm ra trường không muốn làm giáo viên

Một giờ học mỹ thuật tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp. Ảnh: CHÂU NGUYỄN

Hiện nay, quận Bình Tân thiếu 26 giáo viên âm nhạc và 30 giáo viên mỹ thuật. Trò chuyện với các giáo viên hợp đồng vì sao không tham gia tuyển dụng, đa phần đều cho rằng thu nhập thấp, hơn nữa chuyện họp hành, thi đua khiến họ thấy mệt mỏi. Thay vì biên chế tại một trường, họ hợp đồng một vài trường kèm thêm đi hát ngoài thì cũng có mức thu nhập khá so với đồng lương giáo viên âm nhạc.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cũng cho biết, tình trạng thiếu giáo viên tin học, âm nhạc, mỹ thuật cũng đang diễn ra tại quận.

“Trường đại học có đào tạo tuy nhiên sau khi ra trường các em lại đi làm công việc khác do lương thấp hơn mức sàn của vùng. Do đó, vấn đề gốc rễ phải giải quyết chế độ, chính sách để làm sao giáo viên có thể sống được bằng lương” - ông Thanh nói.

Sinh viên sư phạm ra trường không muốn làm giáo viên

PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn nhìn nhận công việc vất vả, số tiết dạy nhiều trong khi thu nhập thấp thì khó tuyển dụng là điều tất yếu.

“Ngành sư phạm mỹ thuật những năm gần đây nhà trường không tuyển sinh được. Năm ngoái chỉ tiêu 30 em nhưng chỉ tuyển sinh được 15 em, sau đó cũng rơi rụng dần. Trong khi đó, ngành sư phạm âm nhạc lại “hút” thí sinh nhưng sau khi ra trường các em không tha thiết đi dạy, làm công việc khác với mức thu nhập 1 ngày có khi bằng 1 tháng lương giáo viên.

Thừa nhận thực trạng trên, bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết hiện Sở GD&ĐT đang xây dựng đề án hỗ trợ giáo viên tiểu học. Trong đề án có chia ra giáo viên nhiều môn, giáo viên bộ môn (tin học, âm nhạc, tiếng anh, giáo dục thể chất...) với việc đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho từng đối tượng. Nếu nghị quyết được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua sẽ là cơ chế đặc thù để có thể thu hút sinh viên các ngành âm nhạc, tiếng anh ra làm giáo viên, giải quyết khó khăn khi tuyển dụng cho các trường.

Theo Điều 8 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập, hiện nay, ở trường công lập thu nhập từ lương của giáo viên mới tuyển dụng có hệ số lương khởi điểm là 1.86.

Do đó, tính tổng thu nhập sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì mỗi giáo viên mới ra trường nhận được hơn 3 triệu đồng (khoảng 3.367.251 đồng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm