Chiều 25-6, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM họp về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Một trong những nội dung được bàn nhiều là giải pháp phòng dịch ở chợ đầu mối và chợ truyền thống.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận
tại điểm cầu huyện Hóc Môn. Ảnh: TTBC
Có cần cấm chợ truyền thống?
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, báo cáo: Đến ngày 25-6, nhiều khu chợ trở thành cụm dịch lớn lây nhiễm COVID-19, trong đó có chuỗi liên quan chợ đầu mối Hóc Môn được phát hiện ngày 12-6. Ca dương tính là tiểu thương bán trái cây tại kiốt một đầu chợ, từ đó phát hiện thêm 13 tiểu thương và tám người khác.
Ngày 19-6, từ ba tiểu thương của chợ Sơn Kỳ (có đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng), xét nghiệm tầm soát diện rộng phát hiện tổng cộng 71 ca xác định, gồm tiểu thương, người nhà, người đến chợ.
Tiếp đến là chuỗi liên quan đến chợ Bình Điền (quận 8), phát hiện một bệnh nhân là bốc xếp và đến nay đã có tổng cộng 25 ca nhiễm.
Lo ngại bùng phát dịch ở các chợ truyền thống và chợ đầu mối, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị siết chặt phòng dịch nơi đây vì là đầu mối giao thương, mua bán, nơi người dân đến mua sắm rất nhiều. “Nếu tình hình xảy ra các địa điểm có nguy cơ cao như Hóc Môn, tôi đề xuất TP.HCM thà hy sinh thời gian ngắn 5-7 ngày để chặn nguồn lây nhiễm, còn hơn là để các chợ đầu mối tiếp tục lây nhiễm” - ông Sơn nói.
Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực, cho rằng việc TP.HCM áp dụng Chỉ thị số 10 đã phát huy được kết quả nhất định nhưng diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Các giải pháp trong Chỉ thị 10 của UBND TP so với Chỉ thị 16 của Thủ tướng tương tự, chỉ còn chợ là chưa cấm.
“Bây giờ có nên cấm các chợ hay không? Tôi thấy cần kiên quyết hơn nữa, phải cắn răng mà chịu, cần các biện pháp triệt để. Chúng ta cần cân nhắc đẩy mạnh, không khéo mất kiểm soát sẽ làm lây lan nghiêm trọng” - ông Bình nói.
Phát biểu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị liên quan tính toán và nghiên cứu mô hình của quận 8 đang áp dụng về phòng chống dịch ở chợ truyền thống. “Có thể luân phiên có những hộ bán một ngày” - ông Phong nói.
Còn đối với chợ đầu mối, ông Phong yêu cầu phải có phương án hoạt động cụ thể, yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết về thực hiện bộ tiêu chí an toàn phòng dịch, nếu vi phạm dừng kinh doanh ngay.
Bộ Y tế thí điểm cho cách ly F1 tại nhà Sáng 25-6, Bộ Y tế đã ký văn bản thí điểm cho cách ly F1 tại nhà. Nếu TP.HCM có những trường hợp có điều kiện thì nên tính toán phương án cho F1 cách ly tại nhà để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung vì một số cơ sở cách ly, đặc biệt là tại khu ĐH Quốc gia đang rất khó khăn. Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN TRƯỜNG SƠN |
Tính toán các giải pháp mạnh hơn để chặn dịch
Theo ông Nguyễn Thành Phong, đợt dịch này có diễn biến hết sức phức tạp và hôm nay là ngày thứ chín liên tiếp có số ca nhiễm mỗi ngày lên ba con số.
“Đặc biệt, từ 6 giờ ngày 24-6 đến 6 giờ ngày 25-6, TP ghi nhận 667 ca nhiễm, cao nhất từ trước đến nay” - ông Phong nói và phân tích các con số để thấy rằng số ca nhiễm có tăng lên nhưng hầu hết đều ở trong khu phong tỏa (99 trường hợp) và khu cách ly (538 trường hợp), chỉ có 14 trường hợp được phát hiện qua khám sàng lọc ở bệnh viện...
Vì thế, ông Phong khẳng định TP.HCM vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng đáng lo là các chuỗi liên quan đến khu công nghiệp, chợ đầu mối, chợ truyền thống do có mức độ tiếp xúc lớn.
“Chỉ còn năm ngày nữa là kết thúc giãn cách xã hội đợt 2, tôi yêu cầu các sở/ngành, quận/huyện phải đánh giá lại việc triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 10 và đề ra những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn nữa trong năm ngày tới” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, TP vẫn đang triển khai các giải pháp phòng chống dịch nhưng số ca nhiễm vẫn cứ tăng và ông đề nghị các sở/ngành, quận/huyện xem lại các biện pháp đã triển khai, nhất là khâu kiểm tra, giám sát để đánh giá lại có tiếp tục giãn cách xã hội tiếp sau ngày 30-6 hay không.
Ông cũng đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 10, những trường hợp thực hiện không nghiêm thì phải xử lý.
Về tổ COVID-19 cộng đồng, ông Phong yêu cầu 300 hộ dân phải có một tổ COVID-19 cộng đồng, trong đó cần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.
Đối với các khu tập trung đông người như công viên, trước cổng bệnh viện, trước cổng các doanh nghiệp, bến xe… phải giải tán ngay.
Tính phương án sống chung với lũ BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho rằng số bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng ngày càng cao (68%) nên bên cạnh khoanh vùng, truy vết, có thể phải tính phương án “sống chung với lũ”. “Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm những con rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước” - BS Dũng nói và cho rằng đây là ý kiến của cá nhân mình. Theo BS Dũng, thời gian tới TP.HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được tiêm vaccine phòng COVID-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm. |