Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, có khả năng xâm nhập vào các cơ sở sản xuất, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), khu công nghệ cao đã triển khai nhiều kịch bản phòng chống dịch bệnh để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp (DN) đảm bảo nguồn nhân lực để phát triển sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh tại các chuyền sản xuất, bếp ăn, khu lưu trú công nhân, ký túc xá…
Ba ca nhiễm ở ba khu công nghiệp
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27-5, trải qua năm ngày, TP.HCM đã ghi nhận hơn 200 ca nhiễm, chủ yếu liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại nhóm truyền giáo Phục hưng, quận Gò Vấp. Từ nhóm truyền giáo này, dịch đã lây lan ra hầu khắp địa bàn TP.HCM, trừ hai địa phương là quận 11 và huyện Cần Giờ là chưa có ca nhiễm.
Điều đáng báo động là dịch đã bắt đầu len lỏi vào các KCN, các cơ sở lao động trên địa bàn TP.HCM. BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đã ghi nhận ba ca bệnh làm việc trong ba KCN là KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc (huyện Củ Chi) và KCN Vĩnh Lộc (huyện Hóc Môn).
Cụ thể như ca nhiễm là nhân viên phân phối hàng hóa làm việc tại kho hàng trong KCN Vĩnh Lộc, có khoảng 100 người làm việc trong kho hàng này. Ca nhiễm này được phát hiện thông qua đợt lấy mẫu tầm soát diện rộng toàn bộ người dân cư trú tại phường 15, quận Gò Vấp.
Đặc biệt, tối 30-5, phát hiện một ca dương tính tại Long An, tuy nhiên đây là nhân viên làm việc ở Công ty TNHH Coats Phong Phú, nằm trong cụm công nghiệp Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức). Cụm công nghiệp này có khoảng năm công ty với tổng số hơn 4.000 nhân viên và người lao động. Riêng phân xưởng của Công ty Coats Phong Phú có 1.082 nhân viên. Ca nhiễm này đã xác định được 146 người F1 để cách ly tập trung và xét nghiệm. Số nhân viên còn lại sẽ được trung tâm y tế địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Công ty ngưng hoạt động lúc 22 giờ ngày 30-5.
Ngoài ra, ông Bỉnh cũng cho biết có một số người sinh hoạt điểm nhóm truyền giáo Phục hưng cũng làm việc tại các công ty trong các KCN. “Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào KCN hoặc ngược lại thông qua người lao động” - ông Bỉnh nói và cho rằng môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các KCN là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân tại một công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM vào tối 2-6. Ảnh: MINH TÂM
Cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu, Chuỗi lây nhiễm liên quan hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu (quán bánh canh cá lóc O Thanh) có tổng cộng năm ca bệnh, gồm các bệnh nhân (BN): BN4780, BN4781, BN4782, BN5392 và BN5463. Chuỗi lây nhiễm này phát hiện ca bệnh từ ngày 19 đến 25-5. Trong đó, BN4780 là mẹ, BN4781 và BN4782 là con, ngụ cùng nhà. Ngày 24-5, Bộ Y tế công bố thêm một ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM liên quan hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu là BN5392 (18 tháng tuổi, ngụ phường 12, quận Tân Bình, cháu ngoại của BN4780). Ngày 25-5, Bộ Y tế công bố TP.HCM có thêm BN5463 nhiễm COVID-19, cũng là con gái của BN4780. BN5463 không sống chung với mẹ, chỉ đến thăm. Ngày 2-6, BN5463 tử vong vì mắc COVID-19 nặng, sốc nhiễm trùng, suy tim trên cơ địa tăng huyết áp, bệnh thận giai đoạn cuối. Chuỗi lây nhiễm liên quan quán bánh canh cá lóc O Thanh có tổng cộng năm ca bệnh. Kết quả giải mã gen virus SARS-CoV-2 trên mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân trong chuỗi này phát hiện biến chủng virus Anh. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết cơ bản đã cắt đứt chuỗi lây nhiễm này. |
Kiểm soát hai vòng
Về chương trình phòng chống dịch tại các DN, ông Lê Hoàng Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung, thông tin: Hai KCX Linh Trung I và II có 62 DN trong các lĩnh vực giày da, may mặc và điện tử hoạt động. Các DN này sử dụng hơn 60.000 công nhân. Để kiểm soát dịch bệnh xâm nhập vào các nhà máy, Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung đã phối hợp với DN triển khai hai vòng kiểm soát.
Vòng ngoài, lắp đặt máy đo thân nhiệt từ xa để sàng lọc ban đầu. Vòng hai, các DN tiếp tục đo thân nhiệt cho công nhân trước khi vào nhà máy. Hầu hết DN và người lao động chấp hành tốt các phương án phòng chống dịch do Ban quản lý các KCX-KCN ban hành.
Tuy nhiên, ông Minh cũng chỉ ra mối lo về nguồn xâm nhập dịch bệnh đối với công nhân lao động. Đó là tình trạng các đơn vị giao hàng nhanh, canh giờ trưa đến để giao cho công nhân, thậm chí nhét qua hàng rào các công ty. “Nếu không kiểm soát tốt, đây sẽ là một trong những nguồn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh cho công nhân lao động” - vị CEO băn khoăn.
Theo đó, để kiểm soát hoạt động này, ông Minh cho biết đối với đơn vị giao hàng cho công ty và cá nhân đều yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt. Đối với giao hàng cá nhân, phía nhà cung cấp hạ tầng Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung yêu cầu khoanh vùng khu vực riêng.
Ông Minh đánh giá hiện các DN có đơn hàng khá tốt nên hầu hết vừa đẩy mạnh sản xuất vừa tập trung lo chống dịch bệnh. Một số DN sử dụng nhiều lao động có sáng kiến điều tiết dòng lao động vào nhà máy làm việc thành ba đợt để hạn chế tập trung đông công nhân cùng lúc. Ngoài ra, các căn-tin của DN đều lắp vách ngăn.
Tạo ra chuỗi an toàn Nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở KCN, KCX trên địa bàn TP.HCM rất lớn vì ở đây tập trung rất đông người. Với các tòa nhà, trường học, hàng quán... có thể thực hiện ngay việc giãn cách nhưng KCN thì không. Vấn đề lớn nhất là làm sao quản lý được toàn bộ công nhân từ nơi làm việc đến nhà trọ, khu tập thể, phương tiện đưa đón đến xưởng làm việc để tạo ra được chuỗi an toàn. Nếu không kiểm soát tốt, để lây trong KCN thì có thể nói là khủng hoảng. TP.HCM cần triển khai ngay giãn cách trong sản xuất, có các biện pháp cách ly tại chỗ và xem xét áp chế cách ly tập trung cho một số khu nhà ở của công nhân. Ngoài các biện pháp quản lý công nhân, đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, nếu các cơ sở sản xuất không đảm bảo tiêu chí an toàn thì kiên quyết dừng sản xuất ngay. Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THANH LONG |
Cấp tốc lấy mẫu xét nghiệm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về chương trình phòng chống dịch COVID-19 tại các DN, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM, cho biết Công đoàn các KCX-KCN TP đã và đang phối hợp cùng Ban quản lý các KCX-KCN, khu công nghệ cao và các DN đang hoạt động tại các khu xây dựng các chương trình phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe người lao động và duy trì mạch sản xuất tại DN. Hiện các KCX-KCN, khu công nghệ cao có 1.500 DN hoạt động, sử dụng 28.000 lao động.
Theo đó, công đoàn đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các DN lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, lao động đang làm việc tại 17 KCX-KCN, khu công nghệ cao. Cụ thể, trong hai ngày 1 và 2-6, lấy hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm tại khu công nghệ cao và KCX Tân Thuận (quận 7). “Để đảm bảo tiến độ lấy mẫu và giãn cách, công đoàn phối hợp triển khai phân luồng, điều tiết lượng công nhân lấy mẫu xét nghiệm” - ông Tuấn nói.
Người đứng đầu tổ chức Công đoàn KCX-KCN TP.HCM đánh giá việc lấy mẫu xét nghiệm được các DN ủng hộ và người lao động phấn khởi, yên tâm hơn với môi trường làm việc tại nhà máy. Đồng thời DN bảo vệ được đội ngũ lao động trong giai đoạn dịch bệnh khó tuyển công nhân để ổn định sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Mô hình “Split hospital” tại BV Phạm Ngọc Thạch đã sẵn sàng Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch ứng phó lên đến quy mô 5.000 giường chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19. Theo đó, khi dịch đã bước sang giai đoạn 2 (giai đoạn đã có ca mắc trong cộng đồng, vẫn trong tầm kiểm soát), ngành y tế phải sẵn sàng khoảng 2.000 giường bệnh chuyên tiếp nhận bệnh nhân với 200 giường hồi sức tích cực. Cụ thể, các bệnh viện (BV) được phân công sẵn sàng trong giai đoạn này là: BV dã chiến Củ Chi (300 giường), BV điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), BV Bệnh nhiệt đới (400 giường), BV Phạm Ngọc Thạch (550 giường), hai bệnh viện chuyên tiếp nhận trẻ em là BV Nhi đồng Thành phố (100 giường) và BV Nhi đồng 2 (50 giường), ngoài ra còn có BV Chợ Rẫy (40 giường hồi sức). Khi dịch bùng phát rộng trong cộng đồng, số ca bệnh dao động 1.000-5.000 người thì những trường hợp không triệu chứng hoặc nhẹ, F1 có triệu chứng sẽ được cách ly điều trị tại các BV dã chiến hình thành từ các cơ sở không thuộc hệ thống y tế gồm BV dã chiến tại Nhà thi đấu Phú Thọ, BV dã chiến tại Nhà triển lãm quận 7, BV dã chiến tại các nhà văn hóa thể thao các quận. Ba BV này có tổng cộng 3.000 giường bệnh và bố trí bình ôxy. Theo kế hoạch này, hai BV sẽ được chuyển đổi một số chức năng để trở thành BV chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 (ngoài hai BV dã chiến Củ Chi và Cần Giờ) là BV Bệnh nhiệt đới và BV Phạm Ngọc Thạch. Hai BV chuyên tiếp nhận trẻ em là BV Nhi đồng Thành phố và BV Nhi đồng 2 dành các khối nhà độc lập (Khoa nhiễm) chỉ chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. BV Chợ Rẫy sẽ bố trí một khoa hồi sức chuyên tiếp nhận bệnh nhân người lớn nặng, ngoài BV Bệnh nhiệt đới. Riêng BV Phạm Ngọc Thạch đã áp dụng mô hình “Split hospital” - BV tách đôi, một mô hình khá thành công của Hàn Quốc trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Theo đó, một nửa BV (tính theo chiều dọc) tách biệt hẳn với một nửa còn lại với cổng vào riêng, những khối nhà riêng (đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng, không dùng điều hòa trung tâm,…) và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán COVID-19. Quy mô giường bệnh của một nửa BV chuyên phục vụ cho bệnh nhân COVID-19 có thể lên đến 700 giường. T.NHIÊN |