TP.HCM: Tồn nhiều án hành chính do liên quan trực tiếp đến quyền lợi kinh tế

(PLO)- UBND TP.HCM nhìn nhận các vụ việc thi hành án hành chính còn tồn chủ yếu liên quan đến việc thi hành các bản án, quyết định trong lĩnh vực pháp luật về nhà ở, đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính từ ngày 1-10-2019 đến 31-3-2023.

Một phiên xử án hành chính trực tuyến tại TAND TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THẾ GIANG
Một phiên xử án hành chính trực tuyến tại TAND TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THẾ GIANG

Theo UBND TP.HCM, công tác thi hành án hành chính trên địa bàn TP luôn được Thành uỷ, UBND TP quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên số vụ việc tố tụng hành chính mà người bị kiện, đại diện cơ quan bị kiện trực tiếp tham gia tố tụng tại Tòa án còn hạn chế, các cơ quan phải thực hiện cử người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện tham gia tố tụng.

Chưa kể, số lượng bản án hành chính có nội dung theo dõi ngày càng tăng nhưng số vụ việc thi hành xong còn thấp, nhiều bản án kéo dài chưa được thi hành dứt điểm. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thi hành án chưa chặt chẽ, chưa kịp thời.

UBND TP.HCM nhìn nhận các vụ việc thi hành án hành chính còn tồn chủ yếu liên quan đến việc thi hành các bản án, quyết định trong lĩnh vực pháp luật về nhà ở, đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

“Đây là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm do liên quan trực tiếp đến quyền lợi kinh tế với giá trị rất lớn, có yếu tố lịch sử, pháp luật có nhiều thay đổi, khó đạt sự đồng thuận với người được thi hành án ngay cả khi người phải thi hành án đã đưa ra nhiều biện pháp để thi hành án” – báo cáo nêu rõ.

Về chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, UBND TP.HCM cho biết nhiều vụ việc có tình tiết pháp lý như nhau nhưng bản án tuyên khác nhau; dẫn đến người phải thi hành án phải đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm làm kéo dài thời gian thi hành án. Điều này cũng làm cho việc thực hiện quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến các vụ việc bị kiện gặp khó khăn.

Cạnh đó có trường hợp phán quyết của Tòa án tuyên không rõ trách nhiệm cụ thể của người bị kiện hoặc có nội dung yêu cầu người bị kiện phải thực hiện lại việc bồi thường hoặc hỗ trợ bổ sung bồi thường mà không cụ thể hóa mức bồi thường, hỗ trợ hoặc đánh giá sự kiện không đúng với thực tế.

Do đó, người bị kiện và cơ quan thi hành án dân sự không đủ cơ sở đánh giá việc bồi thường của người bị kiện đã đúng quy định hay chưa để kết thúc việc theo dõi thi hành án hành chính hoặc phải đề nghị tòa án giải thích nhiều lần dẫn đến vụ việc kéo dài.

Thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ thực hiện có hiệu quả kiểm tra, giám sát việc thi hành án hành chính, đặc biệt đề cao vai trò giám sát của HĐND các cấp.

Đồng thời tổ chức kiểm tra công tác thi hành án hành chính ở các địa phương có trọng tâm, trọng điểm nhằm xác định rõ nguyên nhân chậm thi hành án. Qua đó, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, tránh tình trạng tồn đọng án hành chính gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, uy tín của cơ quan nhà nước và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

TP.HCM cũng tăng cường kiểm tra rà soát, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.

Kiến nghị sửa đổi Nghị định 71/2016

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 71/2016 để phù hợp với các quy định về công tác thi hành án hành chính của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Đặc biệt là hướng dẫn cụ thể về thời điểm bản án, quyết định hành chính được xem là đã thi hành xong; hướng dẫn việc tạm đình chỉ thi hành bản án trong khi chờ kết quả xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để tránh trường hợp phải giải quyết hậu quả của việc bản án đã được thi hành xong nhưng các cơ quan xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án hành chính đã được thi hành.

Chưa kể, cần quy định về thời điểm phát sinh trách nhiệm theo dõi thi hành bản án của cơ quan thi hành án dân sự; thời hạn tự nguyện thi hành án; trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự trong việc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xử lý trách nhiệm đối với người thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm