TP.HCM triển khai nhiều chương trình kiểm soát khí thải

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải. Đồng thời giám sát, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Nồng độ bụi mịn nhiều nơi đã vượt quy chuẩn

Theo GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), không khí bị ô nhiễm là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất ở các khu vực đô thị. Tổ chức Y tế Thế giới năm 2014 đã tính toán ô nhiễm không khí (ÔNKK) gây ra cái chết của hơn 8 triệu người/năm và hàng triệu người được phát hiện có bệnh về đường hô hấp liên quan đến ÔNKK ở các TP lớn.

Ông Hải cho rằng quản lý chất lượng không khí là vấn đề cần thiết, quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người. Hồi tháng 9 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố hướng dẫn về chất lượng không khí xung quanh cho toàn cầu rất nghiêm ngặt so với hướng dẫn năm 2005. Cụ thể, ngưỡng nồng độ trung bình năm PM2.5 hiện nay là 5 microgram/m3 so với 10 microgram/m3 (trước năm 2021).

“ÔNKK tại Việt Nam trong thời gian qua đã báo động, nhất là tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số TP lớn khác. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TP Hà Nội và TP.HCM đã vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần” - ông Hải chia sẻ.

Kiểm soát tốt nguồn khí thải

Theo kết quả khảo sát, những nguyên nhân gây ÔNKK ở các TP lớn có thể kể đến là: Hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp. Trong đó, hoạt động giao thông vận tải chiếm lượng phát thải lớn.

Do đó, một trong những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu đó, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát ÔNKK.

Theo đó, thời gian qua TP.HCM đã triển khai chương trình thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành, góp phần cải thiện chất lượng không khí… Ngoài ra, đối với những cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn cũng được Sở TN&MT TP.HCM hoàn tất việc kết nối dữ liệu quan trắc tự động để kiểm soát khí thải.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng hoàn thiện chính sách thể chế, chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho xe buýt từ diesel sang khí nén CNG nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Các nhiệm vụ này đã góp phần đáng kể vào việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với mục tiêu tăng cường công tác giám sát, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí xung quanh tại các đô thị, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã cho ra mắt ứng dụng theo dõi chất lượng không khí - Healthy AIR. Ứng dụng cho phép mọi người biết mức độ ô nhiễm ở hiện tại và dự báo trong tương lai.

Viện Môi trường và Tài nguyên cũng đang hoàn thiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để dự báo ngắn hạn ÔNKK ở TP.HCM. Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu ô nhiễm, dự án sẽ phát triển các mô hình dự đoán mức độ của ÔNKK đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách phân tích sự tương quan mức độ ÔNKK trong các khoảng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.•

 

Tính toán và xây dựng bản đồ phát thải

Ngày 3-12, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học Tính toán phát thải và xây dựng bản đồ phát thải khí thải. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã chia sẻ và thảo luận những vấn đề liên quan đến kiểm kê khí thải, nghiên cứu tính toán phát thải và xây dựng bản đồ phát thải các chất gây ô nhiễm ở một số địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Lê Thanh Hải cho biết: Bộ TN&MT đã phê duyệt thực hiện đề tài khoa học và công nghệ mã số TNMT.2020.04.10: “Nghiên cứu xây dựng bản đồ phát thải các chất gây ÔNKK phục vụ dự báo và kiểm soát ÔNKK vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ”.

Dự án trên do Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT quản lý; Viện Môi trường và Tài nguyên là đơn vị chủ trì thực hiện với sự phối hợp của ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Thời gian triển khai thực hiện dự án từ tháng 10-2020 đến tháng 9-2022.

Mục tiêu của đề tài là thống kê được các nguồn có tiềm năng phát thải cao đối với các chất gây ô nhiễm như SO2, CO, NOx, PM10, PM2,5. Đồng thời, dự án cũng xây dựng bản đồ phân bố phát thải các chất ÔNKK theo không gian. Trong kế hoạch thực hiện đề tài, Viện Môi trường và Tài nguyên tiến hành tổ chức hội thảo khoa học để trao đổi và chia sẻ kết quả mới nhất liên quan tính toán phát thải và xây dựng bản đồ phát thải khí thải cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, phương pháp kiểm kê khí thải cấp tỉnh và kết quả kiểm kê khí thải cho các tỉnh, thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm