Kiểm tra khí thải xe máy: Sẽ tính toán hỗ trợ người dân

Ngày 27-1, Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết “Chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP”.

Đề án kiểm tra khí thải xe máy sẽ nghiên cứu hỗ trợ người có hoàn cảnh
khó khăn khi đổi xe mới. Ảnh NGUYỄN CHÂU. 

Sáu năm thu 2.200 tỉ đồng

Báo cáo tại hội nghị, ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (ITST), cho biết: Nếu thực hiện chính sách kiểm soát khí thải thì hằng năm TP.HCM sẽ giảm được 13,1% tổng lượng CO phát thải; 13,8% tổng lượng HC và giảm 122,844 tấn CO2tđ.

Đề án “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP” có hai giai đoạn chính. Giai đoạn chuẩn bị (2021-2022), tiến hành chương trình tuyên truyền, vận động sâu rộng trên địa bàn TP về chính sách kiểm soát khí thải.

Tiếp đến là giai đoạn thử nghiệm (2023-2024), thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành trên địa bàn TP, bắt đầu phân vùng các khu vực và áp dụng xe từ năm năm trở lên khu vực các quận 1, 3, 5. Giai đoạn này cho phép xe có khí thải đạt mức 2 của TCVN6438-2018 được lưu thông, các xe vi phạm chỉ tiến hành phạt hành chính nhưng vẫn cho lưu thông.

Mức phí kiểm tra khí thải là 50.000 đồng/xe/năm; miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo (có xác nhận của địa phương) và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn khí thải.

Dự kiến nguồn phí thu được từ đề án và phương án đầu tư ở giai đoạn 2023-2024 với 6,9 triệu xe thu được 348 tỉ đồng; giai đoạn 2025 trở đi mỗi năm thu 5,9 triệu xe, thu khoảng 299 tỉ đồng. Như vậy, sáu năm tổng nguồn thu khoảng 2.200 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng (người dân ngụ quận Tân Bình) bày tỏ: Đây là đề án mà lẽ ra cơ quan chức năng nên làm sớm để người dân không phải sống trong môi trường ô nhiễm không khí như hiện nay. Tuy nhiên, khi thực hiện cơ quan chức năng nên làm từng bước. Phải có cơ sở pháp lý vững chắc và phải có chính sách hỗ trợ phù hợp với những trường hợp sử dụng xe cũ mà có hoàn cảnh khó khăn.

“Mỗi ngày ra đường có hàng ngàn chiếc xe máy nhả khói đen xì khiến người dân rất ngán ngại. Tôi nghĩ những xe cũ nát nên thu hồi, vì không ít trường hợp có hoàn cảnh khá giả dùng xe này để chở hàng, cũng không ít hoàn cảnh khó khăn thật sự. Theo tôi, với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn mới cần hỗ trợ. Tuy nhiên, khi thực hiện nên có đánh giá và khảo sát thực tế, đồng thời cần có khung pháp lý vững chắc để người dân đồng lòng” - ông Hoàng chia sẻ.

Nghiên cứu bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), cho rằng: “Với ô tô, chúng ta đã kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề khí thải nhưng xe máy với số lượng lớn, mức độ phát thải lớn vẫn chưa được kiểm soát chặt. Nội dung của đề án trên rất chi tiết, tỉ mỉ về nội dung, kịch bản, phương án thực hiện. Đề án có thể triển khai được ngay, chỉ cần có cơ sở pháp lý để thực hiện”.

Cũng theo ông Tiến, trong yêu cầu cấp bách để bảo vệ môi trường của TP, nếu TP.HCM muốn triển khai trước thì Sở GTVT TP.HCM có báo cáo UBND TP để UBND TP báo cáo Chính phủ nhằm triển khai thí điểm trước.

“Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa những nội dung này vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Tuy nhiên, trong yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường, TP.HCM có thể báo cáo xin ý kiến để triển khai trước. Không có gì đánh giá chính xác bằng mô hình thực tiễn chúng ta đã làm. Mô hình này sẽ góp phần rất lớn trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi” - ông Tiến nói.

Ông Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc ITST, thông tin: Theo khảo sát trong quá trình thực hiện, nhiều người dân TP rất ủng hộ đề án này để cải thiện chất lượng môi trường sống đô thị. Đối với những người sử dụng xe cũ nát có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cũng có tính toán để hỗ trợ.

Thời gian qua TP.HCM ban hành nhiều chương trình hành động và giải pháp, như hai đề án “Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”. Tuy nhiên, trong các đề án này, việc kiểm soát khí thải xe máy chưa được đề cập một cách rõ ràng.

Do đó, chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và ITST khi thực hiện chương trình trên để góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Ông BÙI HÒA AN, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

 

“Đối tượng sử dụng xe “mù”, xe cũ nát, theo tính toán ở TP có khoảng 67.000 chiếc, đây là nhóm đối tượng cần quan tâm khi triển khai đề án này. Bởi xe này là phương tiện mưu sinh của họ, những xe này thường không đạt tiêu chuẩn khí thải. Nếu chúng ta không có những chính sách hỗ trợ đi kèm thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong đề án này chúng tôi có đề cập đến chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân nghèo, người thu nhập thấp để hỗ trợ sinh kế hoặc được hỗ trợ vay ưu đãi” - ông Khang nói.

Các phương án kiểm soát khí thải xe máy

Theo đề án, việc kiểm soát khí thải xe máy theo khu vực trung tâm cần được thực hiện ưu tiên, tiếp theo là thực hiện cho các khu vực lân cận khu trung tâm, cuối cùng thực hiện cho khu vực ngoại thành.

Kiểm soát khí thải xe máy theo đối tượng: Có thể thực hiện kiểm soát khí thải xe theo dung tích xy lanh (trên 175 cmvà dưới 175 cm3); kiểm soát khí thải xe máy theo năm sử dụng (trên 10 năm, trên năm năm hoặc tất cả xe).

Kiểm soát bằng hình thức thu phí phát thải (công cụ kinh tế): Thu phí các xe có mức phát thải vượt 505 tiêu chuẩn thu phí các xe có mức phát thải vượt 30%, vượt 10%.

Kiểm soát bằng hình thức hỗn hợp: Sẽ có các phương án kết hợp giữa kiểm soát theo khu vực và năm sử dụng của xe; giữa khu vực và dung tích xylanh; giữa khu vực và thu phí.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm