Những ngày gần đây, thời tiết từ Bình Thuận đến TP.HCM, thậm chí kéo dài đến Cà Mau lạnh hơn bình thường và từ sáng sớm đến chiều tối có màn sương bao phủ.
Trời mù sương, bụi bẩn, khó thở
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù gần 9 giờ sáng 22-9 nhưng nhiều khu vực ở TP.HCM vẫn còn bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc.
Theo các chỉ số AQI (viết tắt của Air Quality Index, có nghĩa là chỉ số chất lượng không khí cho biết tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) đo được từ phần mềm Air Visual (Mỹ), chỉ số AQI chung ở TP.HCM hiện ở mức 165. Đây là mức cảnh báo có hại cho sức khỏe, thuộc nhóm màu đỏ, nhóm có hại cho sức khỏe con người.
Không chỉ ở TP.HCM, chỉ số AQI ở các tỉnh khác cũng ở mức nghiêm trọng như ở Cà Mau, Phan Thiết (Bình Thuận). Theo dự báo ngày 22 và 23-9, ô nhiễm không khí tại TP.HCM vẫn ở mức đỏ.
Anh Ngô Hữu Thống (ngụ quận Thủ Đức) cho biết khoảng một tuần nay anh thấy trời xuất hiện sương mù dày, mát mẻ như ở Đà Lạt nhưng cảm thấy rất khó chịu khi hít thở. “Nếu bình thường là sương mù thì đến 9 giờ phải tan rồi và buổi trưa trời sẽ nắng rất đẹp nhưng hiện tượng này kéo dài cả ngày. Bản thân mũi tôi cũng thuộc loại nhạy cảm nên hắt xì liên tục, cảm giác không khí đặc lại, khó thở hơn” - anh Thống cho biết.
Hiện nay nhiều người dân lo lắng không biết tình trạng ô nhiễm này đến bao giờ chấm dứt. Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra tình hình ô nhiễm này là do ảnh hưởng của việc cháy rừng tại Indonesia vừa qua. “Tình hình ô nhiễm này khiến chúng tôi rất lo lắng, tôi không dám cho con ra đường, có thể nguyên nhân gây ô nhiễm là do ảnh hưởng của việc cháy rừng tại Indonesia trong những ngày qua…” - anh Thanh Hưng (quận 1) chia sẻ.
Sương mù bao phủ tại khu vực cầu Bình Lợi, TP.HCM và chỉ số AQI ở TP.HCM hiện cảnh báo mức nghiêm trọng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cháy rừng từ Indonesia
Đến chiều 22-9, kết quả của Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM đã xác định được nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM những ngày qua.
PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Có thể nói ô nhiễm không khí tại TP.HCM và phía Nam Việt Nam từ ngày 18-9 đến nay ở mức rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân là do ba nguyên nhân chính: Nguyên nhân cháy rừng từ Indonesia, chất ô nhiễm bị gió thổi sang TP.HCM và phía Nam Việt Nam; độ ẩm trong không khí cao (hiện nay mưa nhẹ nên độ ẩm rất cao 95%-100%) và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Ngoài ra, do trời không nắng nên không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt, làm cho lớp khí ô nhiễm nằm sát mặt đất không phát tán lên cao được, thế là người dân phải hít khí ô nhiễm này; do phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân”.
PGS-TS Hồ Quốc Bằng nhấn mạnh: “Trong các nguyên nhân trên thì nguyên nhân chính là cháy rừng từ Indonesia, chất ô nhiễm bị gió thổi sang TP.HCM và phía Nam Việt Nam, vì bình thường vào cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật trước đây cho dù có xuất hiện sương mù thì chất lượng không khí cũng không ô nhiễm nặng đến vậy”.
Ông giải thích thêm, Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu chạy mô hình mô phỏng truy tìm nguồn gốc ô nhiễm không khí tại TP.HCM theo hai chiều. Cụ thể, ngày 18-9, có những đám cháy rừng lớn và trên diện rộng tại Indonesia, theo hướng gió và tốc độ gió sau 2-3 ngày các chất ô nhiễm này bay tới TP.HCM, vì vậy ngày 20-9 nồng độ ô nhiễm không khí TP.HCM tăng cao đột biến. Cũng dùng mô hình chạy ngược lại xem thử ô nhiễm không khí vào ngày 22-9 do đâu ra, kết quả cho thấy rằng đi từ cháy rừng ở Indonesia.
Mang khẩu trang bảo vệ ra sao? Theo TS chuyên ngành y tế công cộng Trần Ngọc Đăng, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, bụi mịn PM 2.5 là các hạt tìm thấy trong không khí, bao gồm cả bụi, muội, khói, hạt chất lỏng, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µg/m3 (=1/30 kích thước sợi tóc). Các hạt bụi này vô cùng nguy hiểm bởi chúng có khả năng đi sâu vào cơ thể, ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tim mạch và não bộ. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi. Để ngăn được bụi PM2.5 cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, người dân cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99. Nếu chỉ có khẩu trang y tế thì cần mang hai cái khẩu trang tròng vào nhau. Giải thích về hai loại khẩu trang N95 và N99, TS Đăng cho biết đó là tiêu chuẩn phản ánh chất lượng của khẩu trang. N95 có nghĩa là khẩu trang đó có khả năng lọc được 95% bụi, vi khuẩn. Hiện đã có nhiều loại khẩu trang mới đáp ứng tiêu chuẩn N95 nhưng được chế thêm cái van thở nên mang khá là nhẹ nhàng. Nếu không có tiền để mua N95 thì theo TS Trần Ngọc Đăng, có một số mẹo sau đây có thể giúp tăng khả năng lọc bụi mịn của khẩu trang y tế (dựa trên một nghiên cứu của ĐH Thammasat, Thái Lan) là đeo hai cái khẩu trang y tế hoặc lót một lớp khăn giấy ở bên trong khẩu trang y tế. Cách làm này sẽ tăng độ lọc bụi mịn lên đến 90%. Lưu ý chỉ hai lớp là đủ, nếu đeo nhiều lớp hơn sẽ có tác dụng ngược. |