Chiều 23-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Sở TN&MT TP cùng các đơn vị tổ chức hội nghị chuyên đề giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 19/2018 của Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2023-2025.
Sử dụng phần mềm để quản lý rác
Tại hội nghị, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết trong những năm qua, TP Thủ Đức đã có nhiều giải pháp cải tạo môi trường, hoàn thiện đổi mới cơ sở hạ tầng, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, công viên, khu vui chơi, giải trí công cộng, cũng như công tác trồng thêm cây xanh đã góp phần xây dựng cảnh quan để TP Thủ Đức ngày càng xanh, sạch, đẹp. Nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, TP Thủ Đức đã sử dụng các thiết bị công nghệ giám sát, cập nhật những điểm phát sinh rác thải để xử lý.
Rác thải tràn ngập trên nhiều tuyến kênh rạch của TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
“TP Thủ Đức đã triển khai kế hoạch làm việc, kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư về việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường tại các dự án trên địa bàn. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức sử dụng phần mềm GIS để cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh trên địa bàn. Sử dụng flycam để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại khu vực dự án có diện tích đất trống lớn” - ông Phùng thông tin.
Theo ông Phùng, mặc dù Chính phủ đã có quy định chế tài trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường còn hạn chế. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra, giám sát, xử phạt còn thiếu. “Cần tăng thêm lực lượng có chức năng kiểm tra, giám sát và lập biên bản xử phạt đối với hành vi xả rác không đúng nơi quy định” - ông Phùng đề xuất.
Theo đó, khi phát hiện hành vi đổ rác, người dân có thể gửi phản ánh thông qua ứng dụng. Dữ liệu sẽ được gửi về UBND phường và đơn vị thu gom rác tại địa phương để giải quyết và xử phạt theo quy định.
Cung cấp thông tin đổ rác trộm qua ứng dụng
Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Grac, cho biết công ty cung cấp giải pháp giảm thiểu rác đổ trộm bằng ứng dụng. Theo đó, khi phát hiện hành vi đổ rác, người dân có thể gửi phản ánh thông qua ứng dụng. Dữ liệu sẽ được gửi về UBND phường và đơn vị thu gom rác tại địa phương để giải quyết, xử phạt theo quy định. Ngoài ra, ứng dụng còn có thể giúp người dân tra cứu tiền rác hằng tháng hoặc có thể đặt lịch thu gom rác cồng kềnh, tặng đồ cũ thông qua ứng dụng.
Từ những giải pháp trên của các đơn vị, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng. Cụ thể như thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, đổ rác đúng nơi quy định, không để động vật nuôi phóng uế bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung và tạo môi trường sống sạch.
Bên cạnh đó, cần duy trì việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận, xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường nhanh chóng, kịp thời. Giải quyết triệt để các phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường và trật tự đô thị theo thẩm quyền.
“Cần tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường. Cụ thể là triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường...” - bà Yến nói.•
Chuyển hóa 198 điểm đen về rác thành khu sinh hoạt
Tại hội nghị, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, thông tin từ năm 2021 đến tháng 5-2023, TP đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, giải tỏa 505 điểm, trong đó chuyển hóa được 198 điểm tồn đọng rác thành khu sinh hoạt công cộng.
Theo ông Phước, từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, tổng số phương tiện thu gom rác thải của TP có 7.534 phương tiện, trong đó 4.191 phương tiện đạt chuẩn và 3.343 phương tiện không đạt chuẩn. Tính đến ngày 31-5-2023, quỹ bảo vệ môi trường duyệt vay 107 dự án với số tiền hơn 118 tỉ đồng, giải ngân 93/107 dự án với số tiền hơn 105,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, thời gian qua TP.HCM cũng đã tiếp nhận và giải quyết 99% ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị.