TP.HCM mong sớm có hướng dẫn việc phân loại rác tại nguồn

(PLO)- Hiện nay, TP.HCM phân loại rác thải tại nguồn thành hai loại, hướng tới công nghệ xử lý đốt rác có thu hồi năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp cùng Sở TN&MT TP.HCM và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tổ chức hội nghị chuyên đề giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn 2023-2025.

TP.HCM hiện nay phân loại rác thành hai loại là rác có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

TP.HCM hiện nay phân loại rác thành hai loại là rác có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Tại hội nghị, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thông tin: "Trong thời gian vừa qua, TP Thủ Đức đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường, hoàn thiện, cải thiện, đổi mới cơ sở hạ tầng, cải tạo các khu dân cư, triển khai trồng nhiều cây xanh...

Qua kiểm tra, giám sát đến nay có 140/201 điểm đã được UBND phường và các đoàn thể ra quân xử lý sạch, thực hiện chuyển hóa 77 điểm rác lưu cũ thành các công viên, vườn rau, khu vui chơi cho người dân."

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Ông Phùng cũng chia sẻ một trong những khó khăn của TP Thủ Đức hiện nay là công tác phân loại rác tại nguồn.

"Địa phương chúng tôi tốn rất nhiều công sức khi triển khai phân loại rác, do lúc thì triển khai phân thành hai loại, lúc thì triển khai phân thành ba loại.

Do đó, UBND TP.HCM cần sớm ban hành hướng dẫn phân loại rác tại nguồn thành ba loại theo quy định của luật Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thay vì hướng dẫn phân loại thành hai loại như hiện nay" - ông Phùng nói.

Liên quan vấn đề phân loại rác tại nguồn, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc sở TN&MT TP.HCM cho biết, hiện nay TP.HCM vẫn đang triển khai thực hiện phân thành hai loại là rác có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Công tác này được triển khai thực hiện để hướng đến công nghệ xử lý đốt rác có thu hồi năng lượng.

Thời điểm này, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ TN&MT thì TP cũng đã có bước chuẩn bị cụ thể về việc phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

"Hiện Sở TN&MT đã trình kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn cho UBND TP để ban hành, thực hiện tại thời điểm này cho đến khi có hướng dẫn của Bộ TM&MT" - bà Mỹ nói.

Tại hội nghị, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Điển hình như ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu việc đổ trộm rác, tăng cường việc xử phạt bằng camera với những trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định...

Tại hội nghị, Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm nghiên cứu thực hiện một số nội dung sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng, thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, để rác đúng nơi quy định, không để động vật nuôi phóng uế bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung và tạo môi trường sống sạch;

Duy trì việc triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường nhanh chóng, kịp thời;

Tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường. Cụ thể là triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi phạm vệ sinh môi trường...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm