TP.HCM: Hướng phân loại rác tại nguồn trước khi xử phạt

(PLO)- Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM giao các địa phương tiếp tục thực hiện việc phân loại rác tại nguồn về cơ bản thành hai nhóm là nhóm chất thải có khả năng tái chế và chất thải còn lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở TN&MT TP.HCM vừa có văn bản liên quan việc triển khai lộ trình thực hiện việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Hiện nay TP.HCM đang phân loại rác thành hai loại là nhóm chất thải có khả năng tái chế và chất thải còn lại. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Hiện nay TP.HCM đang phân loại rác thành hai loại là nhóm chất thải có khả năng tái chế và chất thải còn lại. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

TP cần có thời gian để chuẩn bị cơ sở vật chất

Hiện nay trên địa bàn TP đang thực hiện theo hướng rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại thành hai nhóm là nhóm chất thải có khả năng tái chế và chất thải còn lại.

Theo đánh giá của Sở TN&MT, việc triển khai phân loại rác tại nguồn đã bước đầu phát huy những kết quả tích cực và cần duy trì, thực hiện liên tục nhằm tạo nên thói quen, nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân, thúc đẩy sự phát triển thị trường tái chế, tái sử dụng sản phẩm thải bỏ.

Sở TN&MT cũng đánh giá, qua thực tế triển khai thực hiện phân loại rác giai đoạn trước đây, để chuyển đổi từ việc phân loại rác sinh hoạt từ hai nhóm theo Quyết định của UBND TP sang ba nhóm theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (thêm nhóm chất thải thực phẩm) thì các địa phương cần có thời gian để trao đổi, làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển xây dựng kế hoạch.

Cạnh đó, các địa phương cũng cần thời gian để rà soát trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, vận chuyển, phương thức thực hiện theo hướng dẫn mới mà Bộ TN&MT đang xây dựng và chuẩn bị ban hành.

Điều này nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong việc phân loại, tổ chức thu gom, nhằm tránh xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không đáp ứng.

Cụ thể, trong quá trình thu gom lại trộn lẫn các chất thải đã phân loại vào chung với nhau, gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong việc triển khai phân loại rác tại nguồn, Sở TN&MT cho rằng UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có thời gian chuẩn bị về sơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom, vận chuyển theo lộ trình thực hiện phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác sinh hoạt tại nguồn do Bộ TN&MT đang dự thảo, chuẩn bị ban hành.

Kiến nghị tiếp tục phân loại rác thành hai nhóm

Từ những vấn đề trên, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP một số nội dung sau: Sau khi Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác tại nguồn, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị có liên quan tham mưu, UBND TP ban hành kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn đảm bảo sự đồng bộ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý theo lộ trình chuyển đổi mô hình thu gom được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Đồng thời, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP tiếp tục thực hiện phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện chủ động thực hiện xây dựng các phương án dự toán, kế hoạch thực hiện việc phân loại rác tại nguồn tại địa phương.

Bên cạnh đó, Sở này cũng kiến nghị UBND TP giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục thực hiện việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố về cơ bản thành hai nhóm chất thải có khả năng tái chế và chất thải còn lại.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25-8-2022 liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, thay thế cho Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

Nghị định 45 đã bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó có quy định xử phạt hành vi không phân loại rác.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 45 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm