Hiện nay, UBND TP.HCM đang xây dựng lộ trình để triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhằm đảm bảo lộ trình đến năm 2025 thực hiện phân loại chất thải thành ba loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Phân loại rác giúp thu hồi tài nguyên
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân đã được quy định cụ thể tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Cũng theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022 (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25-8), hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Theo một số chuyên gia, việc thực hiện xử phạt hành vi không phân loại rác là cần thiết, điều này giúp người dân có ý thức hơn trong việc phân loại rác. Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp nhằm giảm tải áp lực trong khâu xử lý rác thải. Đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.
Phân loại rác tại nguồn giúp giảm tải áp lực trong khâu xử lý rác. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá tại các nước phát triển đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn từ lâu, đây là giải pháp giúp các nước thu hồi được tài nguyên.
Chúng ta cũng đã tuyên truyền việc phân loại rác tại nguồn từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn toàn thực hiện được. Áp dụng biện pháp xử phạt là một trong những cách thúc đẩy người dân có ý thức hơn trong công tác phân loại.
“Phân loại rác là việc phải làm, nó mang lại hiệu quả rất lớn, giúp chúng ta thu hồi được tài nguyên, giảm thải ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng ta cần gắn kết việc phân loại rác tại nguồn với hệ thống thu gom, thu hồi và tái chế chất thải” - GS-TS Lê Thanh Hải chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết TP đã hướng đến công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện thay vì chôn lấp. Việc phân loại rác sẽ phù hợp với công nghệ tái chế và đốt, giúp giảm ô nhiễm môi trường, thu hồi được tài nguyên.
“Liên quan đến Nghị định 45/2022 về việc xử phạt hành vi không phân loại rác, quận cũng đang chờ hướng dẫn của TP để đưa vào thực hiện” - ông Khang nói.
Chờ Bộ TN&MT hướng dẫn cách phân loại rác
Trao đổi với PV về thời gian thực hiện việc xử phạt hành vi không phân loại rác tại TP.HCM, đại diện Sở TN&MT TP cho biết hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định 45/2022.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) quy định cụ thể chất thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Lộ trình thực hiện việc phân loại chậm nhất là đến ngày 31-12-2024.
“Được biết Bộ TN&MT đang xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để hướng dẫn các địa phương thống nhất áp dụng. Sau khi có văn bản hướng dẫn của bộ, Sở TN&MT sẽ tham mưu, trình UBND TP.HCM lộ trình cụ thể triển khai để đảm bảo việc phân loại chất thải sinh hoạt đúng theo quy định. Trong giai đoạn này, sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định, chính sách mới và chủ động tham gia thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” - đại diện Sở TN&MT thông tin.
Liên quan đến lộ trình thực hiện việc xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết từ ngày 25-8-2022 đến 1-12-2024, trường hợp trên địa bàn tỉnh, TP đã ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định. Trường hợp trước thời hạn trên, các tỉnh, TP chưa có quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thì chưa áp dụng xử phạt.
Bộ TN&MT cũng đang hoàn thiện dự thảo hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và các văn bản liên quan khác để làm căn cứ, hướng dẫn cho các địa phương triển khai quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.•
Đổi mới phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, qua tổng kết thực tiễn công tác phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP trong thời gian vừa qua, cũng như quy định hướng điều chỉnh công nghệ xử lý chất thải của TP, Ban cán sự đảng UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND TP triển khai đổi mới phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cụ thể, chất thải được chia thành hai nhóm chính là nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Trên cơ sở đó, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức thu gom riêng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa phương.