UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP năm 2021, trong đó có danh mục tập trung ưu tiên đầu tư công viên công cộng trải dài trên 10 quận/huyện và TP Thủ Đức.
Hoàn thành 12 công viên và mảng xanh
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), nói: “Danh mục tập trung ưu tiên đầu tư công viên công cộng ở các quận/huyện là đề xuất về mặt chủ trương, còn từ chủ trương đến lúc làm thì còn cần thời gian”.
Theo ông Điệp, việc triển khai đầu tư xây dựng công viên còn phụ thuộc vào diện tích đất, nếu khu vực đó là đất công thì đầu tư nhanh, có thể làm theo danh mục đề xuất được. “Cái khó nhất vẫn là nguồn gốc đất để làm công viên, mảng xanh” - ông Điệp nói.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng thì trong năm nay trên địa bàn TP sẽ có 12 công viên, mảng xanh được hoàn thành.
Trong số lượng này, quận 7 có ba công trình là: Công viên rạch Cả Cấm, cải tạo cảnh quan dọc đường kênh Trần Xuân Soạn, tăng cường mảng xanh khu đất trống dạ cầu Phú Mỹ, TP Thủ Đức hoàn thành xây dựng công viên phường Phú Hữu.
Quận 12 có công viên Cây Sộp, huyện Hóc Môn công viên Rạch Tra, quận Tân Bình có công viên phường 6, huyện Củ Chi có mảng xanh đường Bùi Thị Điệt, quận Bình Tân có công viên giao lộ Trần Văn Giàu - Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh có mảnh xanh trước BV Nhi đồng, quận 8 có mảng xanh khu đất phường 15.
Ngoài 12 công viên, mảng xanh được hoàn thành trong năm nay, TP.HCM cũng đưa ra danh mục tập trung ưu tiên đầu tư 75 công viên công cộng trải dài trên 10 quận/huyện và TP Thủ Đức.
Cụ thể, các công viên công cộng cần đầu tư gồm TP Thủ Đức: 26 công viên; quận 7: bốn; huyện Nhà Bè: ba; huyện Cần Giờ: ba; huyện Hóc Môn: sáu; quận 12: năm; huyện Củ Chi: 15; quận Bình Tân: bốn; Gò Vấp: hai; quận Bình Thạnh: năm; quận 4: hai công viên.
Công viên 23-9 nằm giữa trung tâm TP.HCM với góc nhìn từ trên cao.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Xây dựng kế hoạch dài hơi
Để thực hiện kế hoạch nêu trên, UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và UBND các quận/huyện rà soát, lập danh mục toàn bộ các khu đất công được quy hoạch là đất công viên cây xanh nhưng đang cho thuê, sử dụng với mục đích khác.
Sau khi rà soát, các đơn vị báo cáo, đề xuất về Sở TN&MT tham mưu UBND TP.HCM kế hoạch thu hồi các khu đất để đầu tư xây dựng công viên. Về thứ tự ưu tiên đầu tư, tùy theo tính chất của từng khu đất, khu vực xung quanh (đặc điểm dân cư, điều kiện hạ tầng, các công viên hiện hữu lân cận khu vực) sẽ đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện.
GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), nói: “Làm công viên thì cần diện tích nhưng hiện nay ở TP.HCM rất hiếm, như quận Bình Thạnh rất ít đất. Ý tưởng, danh mục công viên cần đầu tư thì đương nhiên lúc nào cũng tốt”.
Ông Bá cho rằng công viên thường có diện tích lớn nên cần phải có quy hoạch từ nhiều năm trước và phải bảo vệ quy hoạch không cho xâm lấn, chứ hiện nay nhiều khu vực công viên cũng đang bị xâm lấn.
“Hiện nay tỉ lệ công viên cây xanh trên đầu người ở TP.HCM rất thấp nên có công viên người dân sẽ rất mừng, ngoài ra lưu ý đến việc làm công viên kết hợp với làm hồ điều hòa (hồ điều tiết chống ngập) trong đó” - GS Lê Huy Bá cho biết.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết huyện rất quan tâm đến phát triển công viên, mảng xanh. “Ngoài ba công viên công cộng theo danh mục đầu tư của TP, huyện còn có đề án phát triển mảng xanh, công viên riêng cho phù hợp lộ trình lên quận sau này” - ông Lê Nguyễn thông tin.
Nhằm phát triển công viên một cách tốt hơn, UBND TP.HCM cũng giao các đơn vị liên quan lập kế hoạch, danh mục đầu tư dự án các công viên công cộng trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025.
Căn cứ theo danh mục các dự án đề xuất đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025, Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp cùng Sở Xây dựng và các chủ đầu tư trình UBND TP.HCM, HĐND TP chủ trương đầu tư công các dự án này.•
TP.HCM hiện có 405 công viên Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh toàn TP. HCM là hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người. Tuy nhiên, diện tích công viên trên thực tế chỉ khoảng 500 ha, tỉ lệ Cũng theo kế hoạch, TP.HCM sẽ thực hiện trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh trên địa bàn. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận/huyện thực hiện việc trồng mới và cải tạo cây xanh trên đường phố, công viên, mảng xanh. |