Sáng 15-10, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thành đoàn TP.HCM tổ chức lễ trao giải thưởng “Nguyễn Văn Trỗi” lần thứ 14 và giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi, thân thiện” lần 11.
Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày truyền thống Thanh niên công nhân TP.HCM (15-10-1982 - 15-10-2024) và 60 năm Ngày anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (15-10-1964 - 15-10-2024).
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thu Hà, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao 45 thanh niên công nhân được tuyên dương, trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi và 57 cán bộ, công chức, viên chức trẻ được tuyên dương, trao giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện.
"Các cá nhân được vinh danh hôm nay là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, góp phần nâng cao hiệu quả lao động và kinh doanh. Ban Thường vụ Thành Đoàn kỳ vọng các cá nhân tiếp tục phát huy tri thức, sáng tạo, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cơ quan, đơn vị, và cộng đồng” - bà Hà chia sẻ.
Có nhiều sáng tạo trong lao động, đặc biệt là sáng kiến lắp đặt hệ thống tái sử dụng nước thải trong chăn nuôi heo, chị Nguyễn Thị Hồng Oanh đã được tuyên dương, trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần thứ 14 năm 2024.
“Tôi đã có cơ hội tham gia và đóng góp vào nhiều sáng kiến khác nhau. Tuy nhiên, sáng kiến mà tôi ấn tượng nhất chính là lắp đặt hệ thống tái sử dụng nước thải trong chăn nuôi heo.
Sáng kiến này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nước sạch, giảm lượng nước thải trong chăn nuôi mà còn góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch hơn và đáp ứng các quy định khắt khe về môi trường trong chăn nuôi heo công nghiệp” - chị Oanh bày tỏ.
Việc lắp đặt hệ thống tái sử dụng nước thải đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp tiết kiệm chi phí với số tiền lên tới 3,6 triệu mỗi ngày, khoảng gần 1,2 tỉ mỗi năm.
Cùng nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm nay có anh Lê Thành Hưng với sáng kiến sản xuất nấm nhộng trùng thảo bằng công nghệ sinh học.
Anh Lê Thành Hưng cho biết sản phẩm nấm nhộng trùng thảo được trung tâm của anh nghiên cứu và lai tạo thành công, trở thành quy trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo đầu tiên tại TP.HCM được công nhận là tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia và đạt sáng kiến cấp thành phố.
Theo anh Hưng, nấm nhộng trùng thảo dù khác loài nhưng cùng họ với đông trùng hạ thảo và được xem là một trong bốn loại dược liệu quý nhất cùng với sâm, nhung, quế, phụ. Sản phẩm này đã được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện, đặc biệt là trong hỗ trợ điều trị ung thư.
Theo anh Hưng, để hoàn thiện quy trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo bằng công nghệ sinh học, nhóm nghiên cứu của anh đã dành 5 năm miệt mài tìm tòi và sáng tạo. Đây là loại nấm ký sinh trên động vật nên nguồn nguyên liệu tự nhiên rất khan hiếm.
Vì thế, nhóm nghiên cứu đã tìm cách thay thế nguyên liệu từ các nguồn sẵn có trong nước và thậm chí đã sáng tạo ra phương pháp nuôi trồng bằng lòng đỏ trứng gà để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định quanh năm.
Quy trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) trên môi trường không sử dụng nhộng tằm đã mang lại thành công lớn, với tổng lợi nhuận đạt 2,1 tỷ đồng mỗi năm.