TP.HCM xây dựng 5 giải pháp giao thông thông minh

(PLO)- Ngành giao thông TP.HCM đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo để điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ xa, góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ cho các nút giao và khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM cho biết hiện nay ngành giao thông TP đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ xa, góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ cho các nút giao và khu vực. Cạnh đó, TP cũng đã đề ra năm giải pháp xây dựng giao thông thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Giải tỏa ùn tắc từ hệ thống đèn tín hiệu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP, cho biết hiện nay các đèn tín hiệu ở TP có hai đơn vị quản lý.

TP.HCM đang hướng tới xây dựng năm giải pháp cho hệ thống giao thông thông minh. Ảnh: ĐT

TP.HCM đang hướng tới xây dựng năm giải pháp cho hệ thống giao thông thông minh. Ảnh: ĐT

Trong đó, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP sẽ quản lý những đèn tín hiệu có tủ tín hiệu giao thông kết nối về trung tâm điều khiển. Đối với đèn tín hiệu này sẽ được điều khiển, xử lý các sự cố phát sinh đều được thực hiện từ xa một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Cụ thể, hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở trung tâm TP như các quận 1, 3, 5, trục Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt đã được kết nối về trung tâm điều khiển và được điều hành thông qua một hệ thống. Lúc này, trung tâm sẽ đo đếm lượng phương tiện, vận tốc và lên kịch bản di chuyển cho từng nút giao thông và cả khu vực.

Tất cả đều được số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thậm chí được tính toán khoảng cách giữa các nút giao, thời gian di chuyển giữa các nút… để biết được nút giao đó chạy bao nhiêu giây, tăng xanh, giảm đỏ cho phù hợp với tình hình giao thông TP.

“Đến nay, chỉ cần “bấm nút” là các kịch bản giao thông được lập sẵn sẽ chạy mà không cần đến sức người. Trong một khu vực được kết nối với bảng điều khiển, trung tâm có thể điều khiển một đèn tín hiệu nhưng không làm ảnh hưởng tới cả vùng” - ông Tấn cho biết.

Hiện nay, các trục ở trung tâm TP, trung tâm cũng đang chạy theo kịch bản “làn sóng xanh” (đèn xanh) thông qua hệ thống điều khiển đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.

Từ lưu lượng, vận tốc trung bình và mật độ phương tiện, trung tâm sẽ phân tích, đánh giá để lựa chọn kịch bản “làn sóng xanh” cho những tuyến đường ưu tiên như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Trương Định… Mục đích là để các phương tiện thoát ra nhanh nhất, giải quyết ùn ứ cho cả một khu vực.

Để chạy theo “làn sóng xanh”, trung tâm sẽ tính toán để người điều khiển được di chuyển thuận lợi qua các nút giao thông liên tục mà không gặp đèn đỏ. Theo đó, để làm được điều này thì cần kết nối hệ thống về trung tâm điều hành mới tổ chức giao thông, lựa chọn kịch bản cho phù hợp.

Chỉ cần “bấm nút” là các kịch bản giao thông được lập sẵn sẽ chạy mà không cần đến sức người.

Xây dựng giao thông TP.HCM thông minh

Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đề ra nhiều giải pháp để xây dựng giao thông TP thông minh.

Đầu tiên là đầu tư, nâng cấp hệ thống giám sát, điều khiển và số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông. Cụ thể, TP sẽ đầu tư, nâng cấp các tuyến, nút giao trọng điểm của TP phục vụ công tác giám sát và điều khiển giao thông thông qua hệ thống camera. Từ đó triển khai số hóa dữ liệu cơ sở hạ tầng giao thông, công cụ thu thập, tích hợp lưu trữ và cung cấp dữ liệu theo thời gian.

Thứ hai, triển khai nền tảng tích hợp quản lý giao thông và hình thành Trung tâm Điều khiển giao thông, hướng tới Trung tâm Điều khiển giao thông thông minh.

Trong đó, trung tâm này sẽ có 10 chức năng chính như: Giám sát giao thông, điều khiển giao thông, giám sát và điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng, thanh toán điện tử, quản lý vận tải hàng hóa, chia sẻ thông tin, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông…

Thứ ba, xây dựng mô hình dự báo tình hình giao thông toàn TP. Mô hình này sẽ phục vụ đánh giá tác động của các dự án giao thông trước khi triển khai. Hiện nay, mô hình này đã ứng dụng cho dự án đường vành đai 3 và cầu Thủ Thiêm 2.

Thứ tư, hệ thống thanh toán điện tử xuyên suốt với các phương tiện như xe buýt, BRT, metro phà…

Thứ năm, quản lý nhu cầu giao thông. Trong đó, TP sẽ triển khai các giải pháp thu phí lưu thông đặc biệt để hạn chế ô tô vào trung tâm TP vào các giờ cao điểm. Đồng thời đưa giải pháp sử dụng kết hợp giữa thẻ từ và hệ thống camera nhận diện bảng số để thực hiện thu phí tự động…•

Tất cả vấn đề liên quan giao thông phải thông minh

Trong Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, TP đưa ra tiêu chí tất cả vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông cũng cần phải thông minh.

Cụ thể, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử thông minh. TP triển khai giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi, đỗ xe.

Bên cạnh đó, TP sử dụng dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông. Dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp lựa chọn lộ trình di chuyển cho phù hợp. Từ đó giảm ùn tắc giao thông, cho phép người dân giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm