Ngày 25-10, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn kế hoạch không khí sạch ở TP.HCM. Hội thảo ghi nhận góp ý của các sở, ban ngành, chuyên gia trong lĩnh vực ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó, TP.HCM hoàn thiện kế hoạch phát triển năng lực đánh giá chất lượng không khí và thực trạng quản lý, từng bước thực hiện các hoạt động chính của dự án “TA9608-REG: Tăng cường kiến thức và hành động để cải thiện chất lượng không khí”.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ: Theo nghiên cứu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt tại các nước và TP đang phát triển ở châu Á.
“Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng bảy triệu ca tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) báo cáo rằng 92% người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chịu mức độ ô nhiễm không khí gây rủi ro đáng kể cho sức khỏe. Phần lớn những người này sống ở các TP và siêu đô thị” - ông Bảy chia sẻ.
Đánh giá về ảnh hưởng của ô nhiễm đến sức khỏe con người, PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP.HCM, chia sẻ: Ô nhiễm không khí gây ra tác động nặng nề lên sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
Theo đó, hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng và đem chất ô nhiễm đi khắp cơ thể. Bệnh nhân tim mạch, hô hấp thường bị phát bệnh cấp khi ô nhiễm không khí gia tăng. Ngày nay lại phát hiện thêm bảy loại bệnh tự miễn có liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí là hoạt động giao thông. |
Tăng cường vận tải hành khách công cộng
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chia sẻ thông tin về dự án TA9608-REG tại hội thảo. Theo đánh giá, ô nhiễm không khí có tác động lớn đến sức khỏe và môi trường. Những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí có thể kể đến là hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng.
Theo đó, để kiểm soát ô nhiễm không khí TP.HCM, dự án TA9608-REG đưa ra mục tiêu trong năm 2025 vận tải hành khách công cộng đạt 15%, năm 2030 đạt 25%. Để đạt được mục tiêu đó, các biện pháp mà TP thực hiện là chuyển đổi xe buýt chạy bằng diesel sang chạy điện hoặc CNG; triển khai các dịch vụ xe đạp điện nơi công cộng, hạn chế hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh…
Trong hoạt động công nghiệp, TP sẽ xây dựng quy chuẩn phát thải TP theo hướng thắt chặt hơn đối với một số ngành phát thải lớn của TP. Đồng thời, TP cũng xây dựng quy định kiểm soát các thiết bị gây ô nhiễm khí thải; nâng cao năng lực xử lý dữ liệu quan trắc online từ các cơ sở sản xuất, công khai số liệu quan trắc tự động…
Để giảm thiểu ô nhiễm, thời gian qua UBND TP.HCM đề ra nhiều giải pháp, yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện. Trong đó, UBND TP yêu cầu Sở TN&MT quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí. Cạnh đó, thực hiện mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn TP, đảm bảo liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí.
Sở TN&MT theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về sở. Từ đó kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định.
Trong lĩnh vực giao thông, Sở GTVT sẽ tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải. Cạnh đó, Sở GTVT sẽ phải chủ trì thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra.•
Nhiều hoạt động làm sạch không khí được triển khai
Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: Dự án TA9608-REG về nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí do ADB tài trợ đã được triển khai thực hiện. ADB với sự hỗ trợ của Công ty tư vấn Ricardo Emvironment cùng với Tổ chức không khí sạch châu Á, xây dựng kế hoạch làm sạch không khí cho TP.HCM với các hoạt động chính bao gồm:
TP.HCM sẽ tăng cường vận tải hành khách công cộng nhằm giảm ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông. Ảnh: ĐT |
Thực hiện nghiên cứu chất lượng không khí TP tập trung vào hiện trạng chất lượng không khí, các tác động và quản lý; xác định các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó có các giải pháp công nghệ đổi mới, khuyến nghị các chính sách và hỗ trợ nâng cao năng lực; xây dựng kế hoạch làm sạch không khí cho TP với các ước lượng chi phí đầu tư để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí.