TP.HCM xin tự quyết định vị trí việc làm đặc thù

(PLO)- TP.HCM phát sinh nhiều vị trí việc làm đối với công chức, viên chức thực sự cần thiết và phù hợp nhưng lại chưa có trong quy định tại thông tư của các bộ, ngành Trung ương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về kết quả xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.

Theo đó, đến nay, TP đã phê duyệt vị trí việc làm của 21/22 quận, huyện, TP Thủ Đức với 252 tổ chức hành chính.

TP.HCM xin tự quyết định vị trí việc làm 'đặc thù'-vi-tri-viec-lam
TP.HCM xin tự quyết định vị trí việc làm đặc thù. Ảnh: THUẬN VĂN

Đồng thời, phê duyệt vị trí việc làm của 8/33 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP và sở, ngành; 1.245/1.432 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND quận, huyện, TP Thủ Đức.

Các cơ quan, đơn vị còn lại đang trong giai đoạn thẩm định.

Nhiều vị trí cần thiết chưa được quy định

Theo UBND TP.HCM, hiện nay các bộ, ngành đã ban hành khung quy định về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chuyên môn nghiệp vụ tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, qua công tác xây dựng đề án vị trí việc làm thời gian qua theo chỉ đạo chung của Chính phủ, vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp còn có một số vướng mắc.

Trong đó, danh mục vị trí việc làm do Trung ương ban hành chưa bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp (chức năng, nhiệm vụ theo quy định chung, chưa tính các vị trí đặc thù). Một số thông tư của bộ chuyên ngành quy định thiếu các vị trí lãnh đạo, quản lý tại đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương.

UBND TP.HCM dẫn chứng thông tư của Bộ Xây dựng không quy định các vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp liên quan đến kỹ sư xây dựng mặc dù đây là vị trí việc làm rất cần thiết tại các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành xây dựng. Hay thông tư của Bộ VH,TT&DL không có các vị trí việc làm cho ngành du lịch.

Còn Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ không ban hành danh mục vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực kế hoạch đầu tư, văn phòng...

Bên cạnh đó, đa số thông tư của các bộ, ngành quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị thuộc ngành quản lý. Do đó, các cơ quan, đơn vị khác có chức năng, nhiệm vụ liên quan không thuộc đối tượng áp dụng.

Cũng theo UBND TP.HCM, xuất phát từ nguyên tắc phân cấp, phân quyền, nhiều cơ quan, đơn vị được giao các chức năng nhiệm vụ đặc thù, một số cơ quan, đơn vị do sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy nên có thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ riêng do UBND TP giao.

Chính vì vậy mà thực tế phát sinh nhiều vị trí của công chức, viên chức tại địa phương chưa có trong quy định tại thông tư của các bộ, ngành nhưng thực sự cần thiết và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương.

UBND TP cho rằng bản mô tả vị trí việc làm của các bộ, ngành chưa thật sự phù hợp với công việc thực tế tại địa phương, một số vị trí yêu cầu tiêu chuẩn quá cao, đặc biệt là tiêu chuẩn về lý luận chính trị.

Thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế, số lượng người làm việc, hiện nay, vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị chưa được gắn với biên chế, số lượng người làm việc.

Biên chế, số lượng người làm việc được giao chưa thật sự đảm bảo đủ nhu cầu của các cơ quan, đơn vị trong bối cảnh công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công ngày càng phức tạp.

Xin tự quyết định vị trí việc làm đặc thù

Từ thực tiễn trên, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Nội vụ cho phép các địa phương quyết định việc xây dựng vị trí việc làm đặc thù, không có trong quy định của Trung ương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị theo các quy định của Chính phủ.

Dù vậy, UBND TP khẳng định việc xây dựng vị trí việc làm, xác định yêu cầu về khung năng lực của các vị trí việc làm đặc thù được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của bộ chuyên ngành.

UBND TP.HCM nhìn nhận việc hướng dẫn cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của bộ, ngành không cụ thể mà ghi chung chung theo Nghị định 106/2020 của Chính phủ.

TP.HCM đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất hướng dẫn chung về cơ cấu viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp tại Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành để làm cơ sở triển khai thực hiện thống nhất toàn quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm