TP.HCM xuất hiện sương mù nguy hiểm

“Hiện tượng “mù khô” hay còn gọi mù quang hóa xuất hiện trên địa TP.HCM có tính chất chu kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân”. Chiều 19-1, Trung tâm Quan trắc môi trường (QTMT) TP.HCM đã nhìn nhận như thế trong báo cáo với Sở TN&MT về tình trạng “mù khô” có tính chất lặp đi lặp lại trên địa bàn TP.

Về tình trạng sương mù trong những ngày qua, Trung tâm QTMT nhìn nhận từ ngày 16 đến 18-1, trên địa bàn TP có xuất hiện hiện tượng “mù khô” (giới chuyên gia gọi là mù quang hóa). Tuy nhiên, phải sang tuần sau mới có kết quả quan trắc chính thức về chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm ra sao. Trung tâm QTMT cho rằng trong điều kiện hiện nay chỉ thực hiện quan trắc thủ công gián đoạn nên việc đánh giá chất lượng và khuyến cáo cho người dân còn hạn chế.

Trong những ngày qua, ngoài sương mù do thời tiết, tại TP.HCM còn có hiện tượng “mù khô” do ô nhiễm không khí. Ảnh: TRUNG THANH

Song Trung tâm QTMT cũng khuyến cáo trong những ngày có hiện tượng sương mù quang hóa, người dân đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai và người lớn tuổi hạn chế ra ngoài và tham gia giao thông. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm… Hiện tượng “mù khô” ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ gây nên các bệnh về hô hấp.

Về hiện tượng sương mù quang hóa, Trung tâm QTMT cho rằng nguyên nhân là do mật độ đô thị cao, phương tiện giao thông đông đúc cộng với nhiều nhà máy có khí thải... ra môi trường. Ngoài ra, TP.HCM đang phải tiếp nhận thêm ô nhiễm không khí từ các TP công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương khuếch tán theo hướng gió. “Bình thường các chất ô nhiễm bốc lên cao khuếch tán ra xa. Tuy nhiên, trong những ngày gió yếu kết hợp không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống gây nên hiện tượng đảo nhiệt khiến khói bụi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán, tạo ra hiện tượng “mù khô”” - Trung tâm QTMT giải thích.

Theo nhận định của Trung tâm QTMT, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra tại TP.HCM mang tính chu kỳ vào khoảng 4-7 ngày trong tháng 10 hằng năm khi gió mùa Tây Nam suy yếu và khối không khí lạnh từ phía Bắc được khuếch tán xuống phía Nam. Trong năm 2015, hiện tượng mù quang hóa xảy ra từ ngày 1 đến 7-10; năm 2016 xảy ra từ ngày 12 đến 15-10 làm gia tăng ô nhiễm bầu không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Phân biệt sương mù với “mù khô” thế nào?

Theo ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, có hai loại sương mù. Sương mù do hơi nước là hiện tượng bình thường và “mù khô”. Để phân biệt, sương mù thì bầu trời màu trắng đục, cảm giác nhiều hơi ẩm, tiết trời mát hoặc se lạnh. Còn “mù khô” thường có màu vàng đục, cảm giác không khí khá khô, không chỉ giảm tầm nhìn gần mặt đất mà cả trên cao. Thời điểm sáng, trưa, chiều đều có. Đối với sương mù bình thường chỉ xuất hiện vào sáng sớm và nhanh tan khi mặt trời lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm