TQ phá giá nhân dân tệ: VN ít bị ảnh hưởng

Nhập siêu từ Trung Quốc là 26,1 tỉ USD

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương báo cáo: Từ đầu năm tới nay nền kinh tế nước ta phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng GDP chín tháng đầu năm đạt 6,5%, cao nhất so với cùng kỳ bốn năm trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với cùng kỳ, niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Theo ông Phương, trong chín tháng đầu năm Việt Nam (VN) nhập siêu từ Trung Quốc (TQ) 26,1 tỉ USD. Việc TQ phá giá đồng nhân dân tệ có tác động không lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta. Kim ngạch xuất khẩu của VN sang TQ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do ta đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và điều chỉnh giá VND so với USD từ đầu năm đến nay khoảng 5% để thúc đẩy xuất khẩu.

“Nhìn chung đến thời điểm hiện nay các diễn biến giá dầu giảm, sự suy giảm kinh tế TQ không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế VN năm 2015” - ông Phương khẳng định.

 
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TÁ LÂM

Tư duy lãnh đạo chưa đáp ứng hội nhập

Trước báo cáo này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, cho rằng: Trong chín tháng đầu năm, chúng ta đã giữ được đà tăng trưởng tương đối đều, kiểm soát được lạm phát. Nhưng đó mới chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt, đột xuất và ngắn hạn. Nhìn về lâu dài có năm vấn đề đang nảy sinh cần phải mổ xẻ để nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Trong đó nổi bật là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế chưa có kết quả rõ nét, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quá chậm. (Theo báo cáo, trong tám tháng đầu năm mới cổ phần hóa được 95/289 doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch năm 2015).

Ông Kiêm cũng đưa ra một vấn đề rất đáng lưu tâm: Trong những tháng đầu năm 2015, chúng ta ký rất nhiều hiệp định song phương, đa phương... nhưng nhận thức của người lao động và doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo, biện pháp điều hành quản lý, mô hình tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng hội nhập.

“Hiện nay vị trí của chúng ta với khu vực và thế giới ngày càng cách xa. Nông nghiệp vốn là thế mạnh của chúng ta cũng đang có xu hướng xuống dốc. Mọi vấn đề trong nông nghiệp, kể cả thị trường, cơ cấu, đào tạo nguồn lực chưa thấy cái gì gọi là đột phá” - ông Kiêm chỉ rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới