Trà đặc sản Việt Nam hào hứng đi tìm vị ngọt trong... ly trà sữa

(PLO)- Thị trường F&B đang chứng kiến sự mở rộng ngành trà của Việt Nam khi nhiều chuỗi trà sữa phát triển dòng sản phẩm trà đậm vị "made in Vietnam".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoảng ba năm trở lại đây người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ TP.HCM đã quen thuộc với khẩu hiệu (slogan) “chúng tôi bán trà ô long đặc sản Đà Lạt” của chuỗi trà sữa - cà phê Phê La, hay slogan “trà ngon đậm vị” của La Si Mi.

Chưa kể, thị trường còn chứng kiến sự nở rộ của La Boong, Ô Long đây, Katinat, Phúc Long… Những chuỗi này cùng chung một ý tưởng là phát triển trà đặc sản Bảo Lộc, Thái Nguyên, Mộc Châu… thành nguyên liệu chính để pha chế, tạo ra loại trà sữa đậm vị, nguyên bản và “thật Việt Nam”.

Ngành trà tìm vị ngọt trong ly trà sữa

Năm 2023, bà Nguyễn Hạnh Hoa, Nhà sáng lập chuỗi Phê La từng nói, slogan của Phê La chính là lời khẳng định về thị trường ngách mà chuỗi này nhắm tới.

Theo đó, Phê La không đi theo lối mòn của thị trường trà sữa với vị béo ngậy, thoảng mùi trà, mà đánh mạnh vào phân khúc trà đậm vị (trà sữa nhưng đậm vị trà), nguyên bản và tận dụng nông sản Việt Nam như trầu không, phong lan, gạo rang để làm trân châu uống kèm...

Theo giới phân tích, chính sự độc đáo này đã giúp Phê La đã tạo ra tiếng vang lớn trên thị trường F&B. Báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường Vietdata cho biết, năm 2023 Phê La đạt doanh thu gần 300 tỉ đồng, và lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 57 tỉ đồng.

Chuỗi sau đó được D1 Concept của nữ đại gia Trương Nguyễn Thiên Kim rót vốn, và nắm 51% cổ phần tại thương hiệu này. Tới nay Phê La có 35 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn.

Tương tự, thương hiệu La Si Mi, cũng định hình ở phân khúc trà đậm vị. Những thức uống tạo ra tên tuổi La Si Mi đều là các sản phẩm trà ô long từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) bao gồm trà ô long sữa trân châu, trà ô long sen vàng kem phô mai, trà ô long đào cam sả và trà ô long cam vàng.

Nói với PLO, ông Văn Phú Viễn Phương, Nhà sáng lập chuỗi Tis Coffee & Tea nhìn nhận xu hướng tiêu dùng trà đậm vị đang khá phát triển.

trà đậm vị
Đồ uống chứa trà đang được bán chạy hơn so với cà phê. ẢNH: THU HÀ

“Ở Tis Coffee & Tea, một kiosk nhỏ của chúng tôi có thể đáp ứng được 200 – 300 ly/mỗi ngày. Thông qua số lượng ly bán ra, chúng tôi thống kê được có 35% khách hàng lựa chọn cà phê để uống, trong khi 65% khách hàng đến quán chọn trà cho buổi trưa và chiều tối.

Trong thức uống, có đến 80% khách hàng lựa chọn thức uống ít ngọt hoặc không đường. Những con số này thể hiện rõ sự dịch chuyển về thói quen tiêu dùng đối với thức uống hiện nay”- ông Phương nói.

Tương tự, trong một hội thảo về F&B mới đây, ông Vũ Việt Anh, Nhà sáng lập chuỗi trà sữa La Boong (thuộc Công ty TNHH La Boong Việt Nam) cũng nhìn nhận, bất chấp thị trường F&B đang diễn ra cuộc “đại thanh lọc” trong 6 tháng đầu năm, thì La Boong vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 30%/năm.

"Ở La Boong, chúng tôi sử dụng trà ô long làm nguyên liệu chủ đạo để pha chế trà sữa, với giá bán bình dân dao động từ 25.000 – 50.000 đồng, đã giúp chuỗi bán ra khoảng 15.000 ly mỗi ngày trên toàn hệ thống (hơn 120 cửa hàng)"- ông Anh chia sẻ.

Cũng theo vị này, hiện sản lượng tiêu thụ trà ở quán bắt đầu tính bằng tấn mỗi tháng.

Lực đẩy của ngành trà

Với kinh nghiệm trong ngành F&B, ông Văn Phú Viễn Phương bày tỏ, trong khi các đơn vị kinh doanh trà sữa ngoại nhập đang dần chững lại, thì thị trường trà sữa đậm vị, trà sữa ít béo pha máy, hay trà trái cây tươi… "made in Vietnam" lại đang nổi lên như một sự lựa chọn mới, phù hợp với tiến trình phát triển của ngành F&B.

Cùng với đó, các doanh nghiệp ngành trà Việt cũng đang đứng trước nhiều cơ hội mới về thị trường, khi đi sâu vào lĩnh vực F&B, thay vì chỉ xuất khẩu như trước.

“Thật đáng mừng, trước đây trà vốn chỉ định hình cho người lớn tuổi, nhưng hiện nay xu hướng sử dụng trà đậm vị, trà đặc sản, không tẩm ướp hương lại đang thu hút giới trẻ - tệp khách hàng lớn trong của ngành F&B.

Sở thích này không phải ngẫu nhiên hay theo đuổi một “trend” ăn uống nào, mà là do ngày nay người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, cân bằng dinh dưỡng, giảm lượng đường, giảm chất béo, và hạn chế các chất bảo quản. Chính vì thế, những “nguyên bản”, “tự nhiên”, sản phẩm Việt sẽ được ưu tiên sử dụng”- ông Viễn Phương bày tỏ.

Với góc nhìn nghiên cứu thị trường, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School cũng nhìn nhận, thị trường trà đặc sản Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vị thế trong lĩnh vực ẩm thực.

Trong đó, các chuỗi trà sữa, trà - cà phê là trợ lực lớn nhất thúc đẩy thị trường trà Việt Nam phát triển một cách mới mẻ, thông qua các cách biến tấu linh hoạt trong pha chế. Chưa kể, mạng xã hội, các ứng dụng giao hàng cũng góp phần làm tăng độ phủ cho thức uống có sử dụng trà Việt được đến gần hơn với người tiêu dùng nước ta.

“Với sự kết hợp linh hoạt giữa trà và cà phê, các chuỗi này đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng của khách hàng từ sáng đến tối. Tôi vẫn hay nói vui rằng “bán cà phê đủ chi phí vận hành, bán trà kiếm lợi nhuận”.

Bởi thực tế hiện nay giá trà không bị ảnh hưởng tác động của việc tăng giá nhanh như cà phê, nguyên liệu trong nước cũng phong phú, giúp các nhà bán, doanh nghiệp chủ động hơn trong nguồn cung”- ông Thanh nói.

Cũng theo ghi nhận của công ty tư vấn FnB Director, thị trường F&B đang thấy sự bùng nổ của mô hình nhượng quyền trà đặc sản, trà đậm vị tại các đô thị lớn thông qua các chuỗi nhượng quyền.

Điều này dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường trà Việt trở nên rộng cửa hơn trong thời gian tới.

Theo ước tính của Statista, quy mô thị trường trà tại Việt Nam có giá trị 3,1 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt xấp xỉ 3,7 tỷ USD vào năm 2025.

Nhiều lối đi mới

Dữ liệu từ Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 92.800 tấn trà, thu về 162,62 triệu USD (khoảng 3.970 tỉ đồng, với tỉ giá USD/VND ngày 29-9), vượt kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2023.

Dù vậy, theo Hiệp hội chè Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân của Việt Nam không cao, đạt 1.700 – 1.800 USD/tấn do trà giá thấp chiếm tỉ trọng lớn. Các phân khúc cao cấp có xuất khẩu được nhưng chiếm tỉ trọng không cao.

Ông Dương Tử Cương, nhà sáng lập thương hiệu Trà Việt Tú sở hữu vùng trồng 15 ha tại Quảng Ninh, cũng thừa nhận hàng chục năm qua, sản lượng trà thu hoạch được chủ yếu phục vụ cho mục đích xuất khẩu trà thô sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc… với giá xuất khẩu cao nhất là 4.500 USD/kg.

“Trong ba năm trở lại đây, tôi nhận thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với trà, đặc biệt là trà hữu cơ, an toàn đang ngày càng cao, chưa kể thị trường trà làm nguyên liệu phục vụ ngành F&B cũng phát triển… Chúng tôi quyết định phát triển mạnh hơn đối với thị trường trong nước”- ông Cương nói.

Hiện nay đơn vị ông Cương cung ứng ra thị trường gần 20 loại trà đóng hộp khác nhau với giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg, cũng có loại lên đến 100 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, ông cũng đang xúc tiến nguồn nguyên liệu trà để cung ứng cho thị trường trà sữa.

“Chỉ tính riêng thị trường phía Bắc, mỗi tháng chúng bán ra ra khoảng 1 tấn trà với 3.000 khách hàng tiêu dùng thường xuyên”- ông Cương nói.

Ngoài cung ứng trà làm thức uống, tháng 3 vừa qua đơn vị này còn kết hợp với một doanh nghiệp mỹ phẩm để sử dụng lá chè xanh hữu cơ vào các sản phẩm, mỹ phẩm thiên nhiên như sữa tắm, bột khử mùi, dầu gội…

Đồng thời tận dụng vùng trồng trà hữu cơ tại Quảng Ninh để phục vụ mục đích du lịch với các món ăn có sử dụng trà làm nguyên phụ liệu nấu nướng.

Theo ông Đỗ Duy Thanh, tuy không thuộc vào ngành trà truyền thống (tức sử dụng lá trà) nhưng có một ngách khác như: trà dược liệu, trà thảo mộc, trà hoa quả lại đang được nhiều đơn vị đầu tư phát triển.

Bà Huệ Trần, Tổng Giám đốc công ty TNHH ARTS Trading cũng cho biết, đơn vị ông đang kinh doanh trà thảo dược sử dụng nguồn nguyên liệu cao cấp bản địa như lục thảo quý, nhân sâm Việt, đông trùng hạ thảo hay bạch cúc, tim sen...

Dù mới ra mắt thị trường và thăm dò kinh doanh trên các nền tảng Amazon, nhưng tới nay sản phẩm đang ghi nhận sự đáp ứng tốt từ người dùng.

Dù vậy, thị trường còn tương đối mới và dung lượng chưa quá lớn, vẫn cần một thời gian nhất định để người tiêu dùng làm quen, dù tiềm năng luôn rộng mở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm