Sôi động thị trường trà sữa Việt 8.400 tỉ đồng

(PLO)-  Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng thị trường trà sữa Việt Nam vẫn là mảng kinh doanh được đánh giá giàu tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghiên cứu chung của Momentum Works và qlub (Singapore) vừa công bố hôm 16-8 đánh giá trà sữa đã tạo nên cơn sốt trong khu vực Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam (VN), quy mô thị trường trà sữa hằng năm lên đến hơn 360 triệu USD, tương đương khoảng 8.400 tỉ đồng. Con số này chứng minh sức hút của thị trường trà sữa tại VN.

Trà sữa không “sớm nở tối tàn”

Không tính các cửa hàng nhỏ lẻ, thị trường TP.HCM có đến hàng chục thương hiệu trà sữa nội lẫn ngoại đình đám như KOI Thé, The Alley, Gong Cha, Phúc Long, Heekcaa, Tiên Hưởng, ToCoToCo… Cuộc đua kinh doanh trà sữa không chỉ dừng lại ở số lượng cửa hàng mà còn cả về quy mô cửa hàng, công thức chế biến món khoái khẩu này.

Trà sữa vẫn là thức uống được nhiều người tiêu dùng sự đón nhận. Ảnh: THU HÀ

Trà sữa vẫn là thức uống được nhiều người tiêu dùng sự đón nhận. Ảnh: THU HÀ

Ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện hãng trà sữa Gong Cha VN, nhìn nhận: “Trà sữa không phải là món nổi lên theo kiểu trào lưu ngắn hạn, “sớm nở tối tàn” như mì cay hay xoài lắc, nó dường như đã trở thành thức uống quen thuộc, nhất là trước sự bùng nổ của thế hệ gen Y và gen Z”.

Thực tế cho thấy riêng ở phân khúc chuỗi trà sữa chuyên nghiệp, hàng loạt ông lớn đã nhảy vào đầu tư khủng để tìm chỗ đứng. Đơn cử hồi giữa năm ngoái, Tập đoàn Masan chi 15 triệu USD để nắm 20% cổ phần của thương hiệu Phúc Long. Đến tháng 2-2022, tập đoàn này tiếp tục chi thêm 110 triệu USD để trở thành công ty mẹ của chuỗi trà sữa Phúc Long, từ đó nắm quyền chi phối và hợp nhất kết quả kinh doanh của thương hiệu này.

Với sự tiếp sức từ đại gia Masan, Phúc Long nhanh chóng mở rộng hình thức kinh doanh theo mô hình kiốt và mở rộng thị trường ở miền Bắc. Kết quả là chỉ trong hai tháng cuối quý I-2022, với biên lãi gộp đạt 68,6% chuỗi trà sữa, cà phê Phúc Long đã thu về khoản lợi nhuận gộp hơn 176 tỉ đồng.

Không đứng ngoài cuộc, Tập đoàn KIDO mới đây đã chính thức ra mắt thương hiệu Chuk Chuk kinh doanh kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát khác. Tập đoàn này kỳ vọng đến hết năm nay sẽ mở khoảng 300-400 cửa hàng tại VN và kết nối với các đối tác chiến lược để đưa chuỗi vươn ra Đông Nam Á, Thái Lan, Hàn Quốc…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, KIDO bắt tay với tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Thái Lan Central Retail để đưa chuỗi của mình vào hệ thống 39 trung tâm thương mại GO! Mall trên toàn quốc. Đồng thời hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim để thực hiện kế hoạch phủ kín các sản phẩm của Chuk Chuk trong các chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, cho biết: “Chúng tôi chọn cách kết duyên với các ông lớn ngành bán lẻ để đi xa và đi nhanh hơn. Kỳ vọng hết năm nay, doanh thu từ thương hiệu Chuk Chuk có thể đạt 500 tỉ đồng”.

Nhiều ông lớn khác như E-coffee của Tập đoàn Trung Nguyên, The Coffee House hay hãng lẩu nổi tiếng Haidilao, nhà hàng Manwah… cũng đưa trà sữa vào menu để phục vụ khách hàng, bên cạnh thức uống và đồ ăn khác.

Ra đi ngậm ngùi

Nghiên cứu của Momentum Works và qlub chỉ ra rằng ngành kinh doanh trà sữa có tỉ suất lợi nhuận gộp 60%-70% nhưng rất ít đơn vị kinh doanh có thể đạt được lợi nhuận liên tục ở quy mô lớn. Kinh doanh trà sữa là một cuộc chơi khó khăn, vì các sản phẩm dễ bị sao chép và gặp nhiều thách thức về chuỗi cung ứng.

Thực tế không ít thương hiệu hái quả ngọt nhưng cũng có nhiều ông lớn không trụ vững, kể cả các thương hiệu đình đám. Đơn cử như trường hợp của hãng trà sữa nổi tiếng nhất nhì Đài Loan là Tenren. Đây là thương hiệu trà sữa được The Coffee House đưa về VN vào năm 2017.

Thời điểm ra mắt, chuỗi này kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng nhờ vào năng lực quản lý của công ty mẹ. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm ngắn ngủi, The Coffee House ngậm ngùi đóng cửa chuỗi trà sữa này vì chưa tìm ra được mô hình kinh doanh phù hợp ở thị trường VN.

Tương tự, vào cuối năm 2020, chuỗi trà sữa Chamichi, một thương hiệu từ Thái Lan, được một nữ nhà văn mua nhượng quyền và mang về VN cũng âm thầm rút lui khỏi thị trường. Điều đáng chú ý là trước đó hãng này đã thực hiện những chiến dịch truyền thông rầm rộ nhờ vào nghệ sĩ nổi tiếng tại VN.

Liên tục thay đổi để tồn tại

Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Pizza Home và Bếp trên mây Cloud Cook, nhìn nhận hiện thị trường đang dần ổn định trở lại sau thời gian bùng nổ mạnh. Đây cũng là lúc thị trường thanh lọc các thương hiệu yếu và chất lượng kém. Với các đơn vị có tiềm lực, đủ sức bền thì nhanh chóng mở rộng cả kênh bán lẻ, thậm chí lên các kênh FoodApps và trở nên ổn định hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Tùng, trà sữa vốn là món đồ uống từ sản phẩm theo trend (xu hướng) nhưng giờ đây đang trở thành thức uống phổ biến. “Tại VN, với tính chất bình dân, dễ uống, lại kết hợp được với nhiều mô hình ẩm thực khác, món ăn khác đã giúp trà sữa trở thành một phần ẩm thực chứ không phải là một hiện tượng nhất thời như trà chanh, mì cay hay xoài lắc. Theo tôi, trà sữa sẽ vẫn còn nhiều tương lai phát triển dài” - ông Tùng nhận xét.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện hãng Gong Cha VN, đánh giá hiện nay sức mua và doanh thu của hãng đã vượt ra khỏi khủng hoảng COVID-19, trở lại mức bình ổn.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ngồi yên hưởng thụ mà các nhà kinh doanh trà sữa phải luôn tự làm mới mình thông qua việc cải tiến chất lượng sản phẩm, cho ra các món ăn thức uống mới phù hợp với khẩu vị người VN lẫn dịch vụ chăm sóc khách hàng, bài trí không gian quán. Bởi nếu không liên tục thay đổi thì sẽ thất bại.

Nhà kinh doanh trà sữa đau đầu

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện giá bán trà sữa khá đa dạng, trung bình 32.000-60.000 đồng/ly. Với các thương hiệu sang chảnh, giá dao động 100.000-120.000 đồng/ly.

Một chuyên gia về ẩm thực đánh giá rằng ngành thực phẩm đồ uống nói chung và trà sữa nói riêng hiện vẫn đang chịu nhiều thách thức sau hai năm dịch COVID-19. Bằng chứng là nhiều nhà kinh doanh phải rời bỏ thị trường vì không đủ sức bám trụ về dòng tiền.

Thêm vào đó, thách thức về giá thành nguyên liệu tăng lên trong khi áp lực phải kéo khách hàng khiến một số thương hiệu không dám tăng giá sản phẩm để duy trì sức mua của khách hàng. Điều này khiến biên lợi nhuận của họ trở nên mỏng hơn. Nguồn nhân sự và chất lượng nhân sự cũng là bài toán khó của ngành này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm