Cụ thể, thứ nhất, HĐXX đã yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ việc Đào Công Bắc, Phạm Đình Phúc (nhân chứng) có nhờ các bị cáo là sáu bảo vệ Công ty Long Sơn đánh, chém người, cướp rẫy điều hay không.
Thứ hai, xác minh 14,7 ha rẫy trước và sau ngày 3-3-2015 (ngày xảy ra vụ án) do ai quản lý.
Thứ ba, làm rõ vai trò của các đối tượng tên Đức và Phương, thư ký ông Thiên Sửu, Phó Giám đốc Công ty Long Sơn, có liên quan đến vụ án hay không.
Thứ 4, xác minh thông tin gia đình nạn nhân tố cáo vợ chồng Bắc sau khi chiếm rẫy đã bán, giao lại cho người của Công ty Long Sơn.
Còn các kiến nghị khác của luật sư như chuyển vụ việc lên công an, VKS tỉnh để điều tra theo thẩm quyền, khởi tố kẻ chủ mưu là Đào Công Bắc và đồng phạm tội giết người, làm rõ các tình tiết mới liên quan… thì HĐXX không đề cập đến.
Trong phiên xử sáng 16-11, lời khai của các bị cáo nêu việc một người tên Phương là thư ký cho ông Nghiêm Văn Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) đã chở bị cáo Bốn đến nhà ông Đào Công Bắc (người bị tòa triệu tập với vai trò là người làm chứng) nhậu.
Nạn nhân Trần Văn Thanh bị chém thương tật 90% đang chỉ những kẻ chém mình trong buổi thực nghiệm tại phiên xử ngày 16-11.
Cụ thể, sau phần thẩm vấn của luật sư, các bị cáo bất ngờ khai ra một nhân vật tên Phương là "thư ký" của ông Thiên Sửu, người này có mặt trong cả hai cuộc nhậu trước khi nhóm bảo vệ hành động, đặc biệt lời khai của ông Phúc, vợ chồng nhân chứng Bắc là những người mời nhậu có nhiều điểm mâu thuẫn.
Các luật sư cho rằng cáo trạng sơ sài chỉ truy tố tám bị cáo tội danh cố ý gây thương tích đã trả hồ sơ làm rõ năm lần nhưng VKS vẫn bảo lưu quan điểm truy tố.
Trong phần thẩm vấn, theo yêu cầu của luật sư Nguyễn Kiều Hưng, HĐXX đã cho thực nghiệm hành vi nhóm bảo vệ chém người tại tòa. Quá trình thẩm vấn, thực nghiệm tại chỗ hành vi gây thương tích cho nạn nhận, đã làm rõ và phát sinh nhiều tình tiết mới, lọt người, lọt tội. Cụ thể, thương tích là hai nhát chém và một vết gậy đập móp đầu nạn nhân nhưng cáo trạng chỉ xác định được một người và chém một nhát. Vậy nhát chém còn lại khi nạn nhân đã gục ngã là ai thực hiện?
Cáo trạng chưa xác định được hung thủ nhát chém chí mạng này. Tại phiên tòa, nạn nhân đã chỉ rõ ba bị cáo là người trực tiếp đập, chém nạn nhân thương tật vĩnh viễn 90%.
Tám bị cáo tại phiên tòa.
Trước đó, bốn lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKS và cơ quan điều tra đều bảo lưu quan điểm, không đưa kẻ chủ mưu (Đào Công Bắc) ra truy tố. Đồng thời, cơ quan tố tụng không truy tố tội giết người mà chỉ truy tố hành vi cố ý gây thương tích.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tại phiên xử chiều 15-11, bị cáo Bốn đã khai thêm tình tiết mới rằng: “Chính ông Bắc (được tòa mời với tư cách người làm chứng) nói nhóm của Bốn vào rẫy nhà anh Thanh để lấy rẫy, nếu nhà anh Thanh “láo” thì chém”.
Tại phiên tòa ngày 16-11, nạn nhân Trần Văn Huỳnh cũng tố cáo vợ chồng Bắc chiếm rẫy, tố cáo Bắc bán lại cho người của Công ty Long Sơn.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng hành vi của các bị cáo là hành vi dùng rựa đánh, nên truy tố tội cố ý gây thương tích, đề nghị các bị cáo 3-8 năm tù.
Các luật sư phản bác quan điểm truy tố của đại diện VKS và cho rằng đây là hành vi giết người của nhóm bị cáo, do “nhân chứng” Bắc chủ mưu. Các luật sư đề nghị HĐXX xem xét hành vi của Bắc và Phúc là chủ mưu nên cần được khởi tố về tội giết người chuyển vụ án lên Công an và VKS tỉnh Đắk Nông.