'Trả nợ' dòng sông, 10 năm ròng lão nông xây cầu qua sông Ba

(PLO)- 10 năm ròng, ông Ksor Yan (huyện Ia Pa, Gia Lai) vẫn cần mẫn bắc cầu gỗ qua sông Ba giúp dân đi lại an toàn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần 10 năm nay, ông Ksor Yan (60 tuổi, ngụ xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) vẫn miệt mài bắc cầu gỗ cho hàng trăm hộ dân hai bên bờ sông Ba đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian. Việc ông làm hoàn toàn tự nguyện.

“Tôi làm cầu này để hỗ trợ giúp bà con đi lại, cũng là mong muốn của người dân. Tôi lấy mỗi lượt xe máy qua cầu 5.000 đồng làm chi phí sửa chữa cầu, ai cũng vui vẻ. Đối với học sinh, người đi bộ, người có hoàn cảnh thì đi hoàn toàn miễn phí” - ông Yan nói.

Cách 1 bờ sông, đi vòng 40 km

Chiếc cầu gỗ do ông Yan làm có chiều dài khoảng 300 mét, rộng 1,5-2 mét nối từ thôn Plơi KDăm (xã Ia Kdăm) với thôn Plei Rngol (xã Ia Ma Rơn). Khoảng 10 năm nay, chiếc cầu này đã trở thành một lối đi quen thuộc không thể thiếu đối với hàng trăm hộ dân bốn xã Đông Nam huyện Ia Pa vào mỗi mùa khô.

Lão nông bắt cầu qua sông ba xã Ia Kdăm huyện Ia Pa
Chiếc cầu gỗ của lão nông Ksor Yan bắt qua sông Ba đã được 10 năm. Ảnh: LK.

Ông Trương Minh Khang, Chủ tịch UBND xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa), chia sẻ: “Mặc dù cây cầu gỗ bắc qua sông Ba không có hiệu quả lớn về mặt kinh tế nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho người dân. Thay vì đi đường vòng, người dân có thể đi cầu gỗ, rất gần, thuận tiện”.

Theo ông Khang, cách đây hơn chục năm, ông Yan đã làm chiếc cầu này rồi. Thời điểm đó, cầu bê tông chưa có, người dân xã Ia Kdăm muốn ra trung tâm huyện phải đi vòng ra thị xã Ayun Pa rồi vòng lại, xa đến 40 km. Sau khi cầu bê tông được xây dựng thì khoảng cách người dân đi lại mới được rút ngắn.

Tuy nhiên, vị trí người dân đi qua cầu bê tông cách xa 4-5 km nên người dân vẫn thích đi qua cây cầu gỗ của ông Yan hơn. Vì thế, cây cầu vẫn duy trì đến nay.

Vào mùa khô, mực nước qua sông Ba rút xuống, có đoạn sâu chỉ 70 cm đến một mét. Đây là thời điểm ông Yan đi lắp lại cây cầu gỗ cho bà con đi, đến mùa mưa ông lại tháo cầu đưa về nhà tránh bị nước cuốn trôi.

lao-nong-xay-cau-go-bat-qua-song-b-ia-pa-gia-lai 3.jpg
Cao điểm mùa khô, nước sông Ba cạn trơ đáy. Ảnh: LK.

“Ông Yan có thu tiền người đi qua sông nhưng số tiền rất nhỏ không thể gọi là kinh doanh được, là chi phí bảo quản cầu. Lúc ông lắp cầu, dân làng nhiệt tình ủng hộ, cùng làm với ông. Đây là việc làm tự nguyện rất có ý nghĩa, được chính quyền và các cơ quan, đoàn thể đánh giá cao”, ông Khang nói.

Nói về chuyện cây cầu, ông Kpă Nui, Trưởng thôn Plơi Kdăm, cho biết: “Bà con xã Ia Kdăm và các xã Ia Ma Rơn, Chư Mố cảm ơn ông Yan lắm. Nhờ ông mà người dân đi qua sông được gần hơn”.

Ở xã kế bên, anh Siu Biên (ngụ thôn Ma Rin 2, xã Ia Ma Rơn) bộc bạch: “Gia đình mình có hai ha mì ở bên xã Ia Kdăm, phải qua sông thường xuyên để đi làm. Nếu không có cầu này thì vất vả lắm. Lúc chở phân bón, chở mì mới đi cầu chính, còn bình thường đi qua cầu này gần hơn. Dân làng hai bên bờ biết ơn ông Yan”.

Trả nợ với làng, với dòng sông

Cách đây 30 năm, ông Yan cùng cha mẹ từng làm nghề chèo đò chở khách qua sông Ba. Thời điểm đó, khó khăn rất nhiều, không có cầu và đường sá như bây giờ. Thấu hiểu vất vả của người dân muốn được qua sông Ba thuận tiện, an toàn, ông đã mạnh dạn bắt cầu gỗ qua sông.

Sông Ba
Ông Ksor Yan thu vé 5.000 đồng/lượt xe máy qua cầu làm phí sửa chữa cầu gỗ qua sông Ba. Ảnh: VC.

Hỏi về chi phí xây cầu gỗ qua sông Ba, ông lắc đầu cười và nói không biết. Ông Là người chủ công làm cầu, nhưng bà con trong làng cũng tham gia hỗ trợ. Khi con sông Ba cạn nước, ông dựng cọc gỗ đóng xuống lòng sông hoàn toàn bằng thủ công. Để cầu được an toàn hơn và tránh bị trôi khi mưa lũ, ông kẹp thêm hai sợi cáp lớn.

Đến nay, câu cầu đã nối hai bờ sông Ba hơn 10 năm. Mùa khô năm nay, để hỗ trợ ông bắt cầu, bà con cùng ông góp từng cây gỗ, tấm ván, chiếc đinh.

Đầu tháng 1-2024, sau khi chiếc cầu gỗ qua sông Ba hoàn thành, ông cùng bà con trong làng đốt (làm thịt) hai con heo mở tiệc mừng.

Hàng ngày, từ sáng sớm, ông đã ra canh ở túp lều nhỏ bên bờ sông chốt vé (5.000 đồng/lượt xe máy) và trông cho người dân qua cầu an toàn. Ông tự hào, ngoài cái lần ông nhảy xuống sông vớt người đàn ông say rượu, từ 10 năm nay cầu gỗ qua sông Ba này chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nào.

Lúc rảnh rỗi, ông bỏ lưới bắt cá, tắm sông làm thú vui. Ông Yan chia sẻ: “Mình gắn với con sông, cái nước này không rời được. Từ nhỏ đến lớn, cuộc sống đều ở bên dòng sông nên phải làm hết mình vì bà con trong làng và trả nợ dòng sông”.

Đến nay, tuổi đã về già không còn sung sức nữa, ông nhìn dòng sông và chỉ mong mình trẻ lại.

“Giờ già rồi, đau nhức khắp người, sang năm sợ không làm nổi nữa. Chỉ mong nhà nước đầu tư thêm cây cầu kiên cố cho bà con đỡ vất vả” - ông Yan lo lắng nói.

Lão nông bắt cầu qua sông ba xã Ia Kdăm huyện Ia Pa
Cầu gỗ ông Ksor Yan là điểm thu hút rất nhiều người dân đến chơi, chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: LK.

Nói về việc làm cầu, ông Trương Minh Khang, Chủ tịch UBND xã Ia Kdăm cho biết mặc dù xã vùng sâu, vùng xa nhưng hệ thống giao thông trên địa bàn xã đến nay đã được nhà nước đầu tư rất đầy đủ, kết nối thuận tiện. Việc đầu tư thêm một cây cầu tại vị trí này sẽ không mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, vì cách đây khoảng 5 km đã có một cây cầu bê tông.

“Nguyện vọng của người dân là xây cây cầu tại đây, chính quyền xã cũng rất mong muốn nhưng kinh phí của địa phương đang rất khó khăn không triển khai được. Nếu được xây cầu thì người dân sẽ thuận lợi đi lại hơn giữa hai bên bờ sông. Hiện tại, địa phương ghi nhận sự đóng góp của ông Yan trong việc làm cầu tạm cho dân” - ông Khang nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm