Trong một chuyến du lịch, bà Kida tình cờ tháp tùng cùng nhóm Việt kiều (VK) dự lễ khánh thành một cây cầu từ thiện do họ tự xây cho người nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long. Xúc động với việc làm của nhóm VK, bà về bàn với chồng tặng tiền xây cầu giúp người nghèo. Từ đó, cặp vợ chồng đã nghỉ hưu người Nhật trở nên nặng tình với những vùng đất nghèo khó ở Việt Nam.
Gặp PV vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán 2011 tại Sài Gòn, ông bà Kida tâm sự: "Chúng tôi tặng cầu vì đời sống của người nông dân Việt Nam gợi nhớ cuộc sống ngày xưa của chúng tôi ở Nhật. Thời ấy, mọi người làm việc bằng tay chân, không có máy móc, rất vất vả, đối mặt với vô vàn khó khăn".
Ông bà Kida thường nghe tin tức về Việt Nam và nhóm VK xây cầu thông qua một kiều bào Nhật là ông Thomas Soi. Biết câu chuyện ông Soi yêu quê hương, xây cầu tặng nông thôn, lại giúp đỡ trẻ em đường phố, ông bà Kida cmr kích và muốn cùng giúp đỡ.
Bà Kida và chuyến hành trình đi tìm những chiếc cầu ở làng quê Việt Nam để chọn vị trí tặng cây cầu bê tông. Ảnh:V.K.
Với ông Kida Nobuhiro, mục đích xây cầu đầu tiên là đảm bảo sự an toàn cho trẻ em. Kế đến ông mong mỏi hai bờ sông được kết nối giúp khu vực này nhanh chóng phát triển kinh tế. Còn bà Kida Hiromi từng là giáo viên, luôn mong muốn giúp đỡ các em học sinh đến trường an toàn hơn trên những nhịp cầu bê tông.
Là người vận động chồng tặng cầu, bà Kida đích thân đi thăm những làng quê nghèo, tìm những cây cầu cần bê tông hóa để giúp mọi người. Năm 2009, trong niềm hân hoan, bà quyết định sẽ xóa một cây cầu tre thay bằng cầu xi măng. Thế nhưng mùa hè năm 2010, khi cây cầu đầu tiên của hai vợ chồng khánh thành thì bà Kida đột ngột bị đau lưng, phải nằm một chỗ trong 2 tháng. Thấy vợ tiếc nuối vì lỗi hẹn với Việt Nam, ông Kida quyết định tặng cây cầu thứ hai để tạo điều kiện cho vợ có dịp cắt băng khánh thành cây cầu của nhà Kida.
Mới đây, trong chuyến đi dự lễ khánh thành một cây cầu ở Long An, thấy ngôi trường nằm trên một cồn đất chỉ được kết nối với đất liền bằng cầu gỗ cũ kỹ, ông bà lên kế hoạch sẽ tặng thêm một cây cầu nữa cho địa phương này. "Ngày này sang năm chúng tôi sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam để làm lễ khánh thành cây cầu thứ ba", ông bà Kida nhẩm tính.
Trước đó, ngày 26/1, ông Kida đã thay người em gái tên Kida Kyoko (là quản lý ký túc xá đã về hưu) tặng một cây cầu ở Vĩnh Long cho dân nghèo. Ông cho biết, khi cho cô em gái xem ảnh những chiếc cầu, cô lập tức bị thuyết phục, không chần chừ nhờ anh chọn vị trí tặng thêm một món quà tương tự cho miền tây Việt Nam.
Ông bà Kida trong ngày khánh thành cây cầu do họ đóng góp kinh phí. Ảnh: V.K.
Nhà Kida cho hay người Nhật hầu như chỉ biết về Việt Nam qua cuộc chiến tranh trước đây. Hiện nay, tuy có nhiều công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam nhưng người Nhật chỉ dừng lại ở việc hiểu đôi chút về kinh tế nước này. Còn các lĩnh vực khác của Việt Nam, hầu như mọi người đều thiếu thông tin. Vì thế ông bà hy vọng những nhịp cầu nhà Kida sẽ nối tình cảm của người Việt Nam và Nhật gần nhau hơn.
Đi giữa lòng Sài Gòn những ngày cuối năm, bà Kida Hiromi nhận xét, không khí Tết cổ truyền của người Việt Nam thật đặc biệt, vừa nhộn nhịp lại đông vui, khác với cái Tết ở Nhật khá yên lặng vì người ta chủ yếu ở nhà. Bà Kida kể, ngày Tết ở Nhật diễn ra từ ngày 24/12 đến ngày 3/1. Mọi người đi mua sắm nhiều thứ, làm những món ăn truyền thống chuẩn bị sẵn. Đúng ngày 1/1 mọi người lên núi hoặc hướng về bàn thờ tổ tiên để cầu nguyện. Sau đó ai nấy đi chùa, đền đài để cầu nguyện. Đêm giao thừa người Nhật thường đi chùa đánh 108 tiếng chuông để báo hiệu một năm mới.
Ngoài việc tặng cầu cho nông thôn Việt Nam, ông bà Kida cũng là nhà hảo tâm giàu lòng bác ái với trẻ em đường phố, cơ nhỡ. Ông bà trích tiền hưu trí của mình để đỡ đầu cho 18 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm phát huy Bình Triệu, quận Thủ Đức, TP HCM.
Vợ chồng ông bà Kida cùng các trẻ em ở Trung tâm phát huy Bình Triệu, quận Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Thomas Soi.
Gia đình Kida đã gia nhập chương trình Bạn trẻ em đường phố, nơi hội ngộ của những người có cùng ý nguyện muốn giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Không những thế, lúc bị đau lưng không đến Việt Nam được, bà Kida quyết định dùng số tiền mua vé máy bay để tặng cho trẻ em.
Kiều bào Nhật Thomas Soi bật mí với VnExpress.net: "Bà Kida có 8 năm dạy tiếng Nhật miễn phí tại trung tâm giao thiệp với người nước ngoài ở Nhật. Khi đến đây học, tôi kể về người Việt Nam với bà Kida, ngay lập tức bà quyết định giúp đỡ người Việt đang khó khăn".
Năm 2010, khi thế giới vẫn đang đối mặt với hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp không nhận mua hàng hóa của trẻ em đường phố làm. Hay tin này, bà Kida không ngần ngại nhận hàng, còn giới thiệu cho nhiều người Nhật mua ủng hộ. "Người Nhật rất thích hàng hóa thủ công làm bằng tay của các em", bà Kida cười hiền hậu giải thích.
Với gia đình Kida, tuổi già không ngăn được ông bà tìm đến Việt Nam để hết lòng thiện nguyện. Ông bà còn mong rằng với việc làm bé nhỏ của mình có thể xoa dịu được những mất mát của trẻ em đường phố và tạo điều kiện để kinh tế nông thôn phát triển, đời sống nông dân sung túc hơn.
Theo Hà Thanh (VNE)