Ngày 24-11, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo tiềm năng năng lượng sạch, cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển tại tỉnh Trà Vinh.
Hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng, pháp lý và cơ hội phát triển ngành năng lượng sạch của tỉnh Trà Vinh.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết Trà Vinh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng, không những góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững của toàn vùng. Mục tiêu này cũng được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, giai đoạn 2020 – 2025.
Đặc biệt với bờ biển dài, thềm lục địa nông sâu khác nhau rất thuận tiện cho việc đầu tư điện gió trên bờ và ngoài khơi và Trà Vinh được Trung ương quan tâm đầu tư, đưa vào vận hành Trung tâm điện lực Duyên Hải với 4 nhà máy, công suất 4.498 MW. Đây là nền tảng, điều kiện thuận lợi để giải tỏa công suất các công trình năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
“Nhằm phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, trên cơ sở quy hoạch phát triển năng lượng của cả nước và của tỉnh, tỉnh Trà Vinh đã xúc tiến mời gọi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến khảo sát”, Chủ tịch tỉnh Trà Vinh cho biết và khẳng định Trà Vinh còn có rất nhiều cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo ông Hẳn, qua khảo sát nhiều năm cho thấy, độ gió trung bình tại Trà Vinh ổn định 7,2 m/s, đây là cơ hội để các nhà đầu tư đầu tư dự án và qua kết quả khảo sát của các nhà khoa học thì Trà Vinh có tiềm năng rất lớn, tổng công suất lên đến 46.505 MW.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ghi nhận trước mắt 24 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 14.821 MW (05 dự án chuyển tiếp đang triển khai với công suất 369 MW và 19 dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển với công suất 14.452 MW).
Tại hội thảo, các đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển năng lượng, chuyển đổi năng lượng đã và đang triển khai, cũng như các giải pháp triển khai hiệu quả về phát triển, chuyển đổi năng lượng của Canada và địa phương trong thời gian qua. Qua đó giúp Trà Vinh có giải pháp, kế hoạch triển khai hiệu quả phát triển năng lượng, chuyển đổi năng lượng của tỉnh Trà Vinh nói riêng và trong kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia nói chung trong thời gian tới.
Các đại biểu đều đánh giá tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất dồi dào. Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định việc phát triển năng lượng sạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế.
Ông Tuấn đánh giá cao tiềm năng của Trà Vinh – tỉnh tiên phong trong việc phát triển các dự án năng lượng gió, nơi đặt nhà máy hydro điện xanh đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng khoảng 341 triệu USD (dự kiến sẽ vận hành trong năm 2024, ban đầu sản xuất 24.000 tấn hydro và 195.000 tấn oxy mỗi năm)
Bên cạnh các dự án đầu tư năng lượng sạch đã có, Trà Vinh còn được biết đến như một địa phương điển hình tốt về chất lượng quản trị môi trường cấp tỉnh. Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2022 ghi nhận Trà Vinh là tỉnh đứng đầu cả nước về chất lượng quản trị môi trường (với điểm số PGI đạt 17,67 điểm).
Đại diện VCCI cam kết là cầu nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và kêu gọi chung tay cùng đưa Trà Vinh trở thành một mô hình địa phương tiên phong về năng lượng sạch, một ví dụ điển hình cho việc chuyển đối năng lượng ở Việt Nam và trong khu vực.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nêu ra các khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch và cho rằng Chính phủ cần cung cấp các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính và đảm bảo rằng mọi quy định đều nhằm mục đích tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng và công bằng. Cụ thể, việc triển khai hệ thống giá mua điện ưu đãi dài hạn, cùng với việc cải thiện quy trình cấp phép và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ làm tăng cường độ tin cậy và thu hút đầu tư…
Đến nay tỉnh Trà Vinh đã cấp chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió với tổng công suất 666 MW (đã đi vào vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia 5 dự án điện gió, công suất 322MW, đang triển khai đầu tư 4 dự án điện gió, công suất khoảng 344MW); đã đưa vào vận hành 1 dự án điện mặt trời, công suất 140MW và đang triển khai 1 dự án điện sinh khối, công suất 25MW.