Ngày 3-1, sau một buổi xét hỏi, TAND TP.HCM quyết định trả hồ sơ yêu cầu VKS cùng cấp điều tra bổ sung vụ án Chime Obiora Walter (SN 1985, quốc tịch Nigieria) sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, ngày 12-2-2018, Công ty TNHH Helle Việt Nam gửi đơn trình báo đến Công an TP. Theo trình bày, công ty nợ một công ty có trụ sở tại Ấn Độ ba đơn hàng với tổng số tiền thanh toán là gần 7.000 euro.
Đến tháng 12-2017, Công ty Helle nhận mail đề nghị thanh toán số tiền hàng trên do đối tác gửi. Tuy nhiên, trong nội dung mail đã gửi xuất hiện hai hộp mail khác có dấu hiệu bất thường.
Vài ngày sau, Công ty Helle lại nhận mail từ đối tác ở Ấn Độ có nội dung thay đổi tài khoản nhận tiền hàng. Doanh nghiệp bên Ấn Độ đề nghị chuyển tiền hàng qua tài khoản một công ty có trụ sở ở quận 1 (TP.HCM).
Làm như thỏa thuận, Công ty Helle chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mới do đối tác yêu cầu. Nhưng sau đó, Công ty Helle làm việc lại với đối tác Ấn Độ mới phát hiện không hề có việc bên bán hàng yêu cầu chuyển tiền hàng như trên.
Bị cáo Chime Obiora Walter được dẫn giải về trại giam sau phiên tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN
Vào cuộc, công an xác minh và phát hiện công ty nhận số tiền trên do Trần Thị Ngọc Tâm thành lập. Mở rộng điều tra, công an xác định thêm Obiora cũng có liên quan đến vụ việc. Khám xét nơi ở cả hai, công an thu giữ sáu con dấu và hồ sơ pháp nhân đứng tên các công ty khác nhau.
Tại CQĐT, Tâm khai nhận Obiora thuê Tâm đứng tên thành lập 10 công ty mua bán, vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài. Hằng tháng, Obiora hứa trả công 1.000-2.000 USD.
Cạnh đó, Tâm còn lôi kéo thêm bạn là Nguyễn Thị Ngọc Tuyết đứng tên lập thêm năm ông ty khác. Toàn bộ con dấu công ty do Obiora quản lý. Chỉ lúc đến ngân hàng rút tiền, Obiora mới giao con dấu cho Tâm và Tuyết. Tổng cộng, Tâm đến ngân hàng rút tiền bốn lần, Tuyết có hai lần theo yêu cầu của ông chủ.
Cả hai không hay biết mục đích chiếm đoạt tài sản của Obiora. Sau khi biết tiền có nguồn gốc bất hợp pháp, Tâm và Tuyết cùng đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Còn Obiora khai nhận một đối tượng không rõ lai lịch sống ở Panama phân công nhiệm vụ thành lập công ty và mở tài khoản ngân hàng. Sau đó, Obiora gửi thông tin tài khoản sang Panama.
Đối tượng kể trên sẽ làm việc với bên thứ ba ở nước ngoài để nhận tiền bất hợp pháp chuyển vào tài khoản Obiora mở tại Việt Nam. Về Tâm và Tuyết, Obiora khai nhận mục đích thuê, chỉ đạo thành lập công ty phục vụ đường dây phi pháp.
CQĐT xác định các đối tượng thành lập nhiều công ty và mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền bất hợp pháp từ việc truy cập bất hợp pháp vào email và gửi thông tin giả mạo đến các doanh nghiệp yêu cầu chuyển tiền thanh toán hợp đồng từ phía đối tác hòng chiếm đoạt.
Obiora chỉ đạo Tâm và Tuyết rút hơn 10,6 tỉ đồng tiền bất hợp pháp ra khỏi ngân hàng, chuyển về cho đối tượng ở Panama thụ hưởng. Từ đó, VKS truy tố Obiora theo điểm a khoản 4 Điều 290 BLHS với khung hình phạt 12-20 năm tù.
Đối với Tâm và Tuyết làm việc do tin tưởng Obiora và không hay biết về hành vi phạm tội và không hưởng lợi. Khi phát hiện sự việc, cả hai tự giác đến trình báo, vì vậy cơ quan tố tụng không xử lý hình sự.