Trạm quan trắc phóng xạ ở Bình Thuận 7 năm vẫn nằm trên giấy

(PLO)- Được phê duyệt chủ trương đầu tư từ 2015 nhưng đến nay trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường ở Bình Thuận vẫn nằm trên giấy, chưa triển khai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-11, tin từ Sở KH&CN Bình Thuận cho biết vừa có công văn lần 3 gửi Bộ KH&CN đề nghị cho ý kiến về việc tỉnh Bình Thuận có cần thiết đầu tư xây dựng Trạm Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường nữa hay không.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ KH&CN.

Một trạm tự động quan trắc môi trường không khí. Ảnh minh họa

Một trạm tự động quan trắc môi trường không khí. Ảnh minh họa

Theo Sở này, hiện tỉnh Bình Thuận đang rà soát các dự án chậm thực hiện trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Do đó Sở mới đề nghị Bộ KH&CN cho ý kiến để Sở báo cáo UBND tỉnh biết và có phương án điều chỉnh kịp thời.

Cách nay 12 năm, căn cứ Quyết định 1636/2010 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký về việc phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020”; căn cứ Công văn ngày 3-10-2011 của Bộ KH&CN về việc lập dự án đầu tư, xây dựng trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, tháng 10-2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Trạm Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường Bình Thuận.

Theo đó tổng kinh phí xây dựng dự kiến khoảng hơn 3,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Bình Thuận (không bao gồm kinh phí đầu tư thiết bị kỹ thuật); thời gian thực hiện dự án trong ba năm (giai đoạn 2016 - 2020).

Mục tiêu của Dự án là kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường về bức xạ trong phạm vi địa phương và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ thiết bị kỹ thuật cho mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường Quốc gia từ nguồn vốn ODA Nhật Bản.

Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án vẫn chưa được phân bổ nguồn kinh phí để đầu tư các trang thiết bị cho Trạm quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường.

Vì thế, từ năm 2016, Sở KH&CN Bình Thuận đã có Công văn gửi Bộ KH&CN về việc hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị. Cũng trong năm 2016, Bộ KH&CN có công văn cho biết nguồn vốn để thực hiện dự án từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển dành cho khoa học và công nghệ được cân đối cho ngân sách tỉnh hàng năm và các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

Đến năm 2017, mối nguy xảy ra sự cố bất thường về bức xạ hạt nhân do rò rỉ phóng xạ hạt nhân có thể có xảy ra, gây nguy hại đến cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận của Nhà máy điện hạt nhân tỉnh Ninh Thuận không còn nữa (Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận đã dừng triển khai).

Mặt khác, nguồn vốn ODA Nhật Bản không còn hỗ trợ để đầu tư hệ thống thiết bị kỹ thuật, đồng thời nguồn ngân sách tỉnh Bình Thuận đầu tư cho phát triển nguồn lực khoa học công nghệ không đáp ứng được cho việc đầu tư Hệ thống thiết bị kỹ thuật này, do đó việc đầu tư này đối với tỉnh Bình Thuận là rất khó khăn.

Do đó, tháng 6-2017, Sở KH&CN Bình Thuận đã có Công văn gửi Bộ KH&CN về việc xin ý kiến đầu tư Trạm Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường tại Bình Thuận, trong đó có đề nghị Bộ cho ý kiến: Tỉnh Bình Thuận có cần thiết đầu tư xây dựng Trạm Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường nữa hay không?

Tuy nhiên, đến nay sau hơn năm năm, Sở KH&CN Bình Thuận vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ KH&CN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm