Bình Thuận: Mượn đường làm cao tốc rồi phá hỏng

(PLO)- Các xe vận chuyển có tải trọng lớn, liên tục đã gây ra tình trạng hư hỏng nền, mặt đường thuộc một số đoạn tuyến do Sở GTVT Bình Thuận quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Ban quản lý |bảo trì đường bộ Bình Thuận, kể từ khi triển khai thi công xây dựng các Dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu từ các mỏ đất, đá thi công cao tốc tăng đột biến. Các xe vận chuyển có tải trọng lớn, liên tục đã gây ra tình trạng hư hỏng nền, mặt đường thuộc một số đoạn tuyến do Sở GTVT Bình Thuận quản lý.

1 tuyến đường ở Hàm Thuận Nam hư hỏng nặng khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Ảnh: PN

1 tuyến đường ở Hàm Thuận Nam hư hỏng nặng khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Ảnh: PN

Dân khổ vì “cầm dao đằng lưỡi”

Cụ thể, các tuyến đường bị hư hỏng nặng gồm đường Liên Hương - Phan Dũng - Quốc lộ (QL)1 - Phan Sơn, Sông Lũy - Phan Tiến, QL28B, ĐT.711, ĐT.718, Phú Hội - Cẩm Hang - Sông Quao, tuyến QL1 - Mỹ Thạnh, ĐT.720, QL55 và rất nhiều các tuyến đường dân sinh do huyện, xã quản lý.

Trước tình hình đó, Sở GTVT tỉnh đã chủ trì nhiều cuộc họp, đã có nhiều văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Ban QLDA 7 tổ chức sửa chữa các tuyến tỉnh lộ và đường địa phương phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Vừa qua, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7 cũng chỉ đạo nhà thầu đảm bảo giao thông một số đoạn tuyến nhưng việc sửa chữa chưa được kịp thời. Nhà thầu thi công chưa tích cực trong phối hợp, đổ trách nhiệm cho các đơn vị vận chuyển hoặc không nhận đã sử dụng tuyến đường địa phương phục vụ thi công.

“Để tránh trường hợp các nhà thầu thi công không sửa chữa, khắc phục các hư hỏng trên các tuyến đường phục vụ thi công cao tốc, Sở GTVT đã yêu cầu các địa phương và nhà thầu thi công kiểm tra, ký cam kết, chịu trách nhiệm khắc phục hư hỏng trước khi hoàn thành cao tốc và đưa vào sử dụng”- Ban quản lý bảo trì đường bộ Bình Thuận cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, các địa phương khi ký biên bản cho mượn đường đều được các Ban QLDA nhà thầu, đơn vị thi công cam kết rất rõ “Trong suốt quá trình sử dụng tuyến đường, nhà thầu cam kết thường xuyên duy tu, sửa chữa, đảm bảo thông suốt; vệ sinh môi trường và có trách nhiệm hoàn trả tuyến đường như hiện trạng ban đầu cho địa phương”.

Người dân cắm bảng cấm xe

Ngoài việc vận chuyển vật liệu trên các tuyến đường đã ký biên bản cam kết, nhiều đơn vị thi công cao tốc hiện nay còn chọn đường tắt đi vào các tuyến đường dân sinh chưa đăng ký mượn nhằm rút ngắn thời gian, nhiên liệu, chi phí vận chuyển. Vì vậy, những con đường này phải gánh chịu hư hỏng mà không ai chịu trách nhiệm.

Cụ thể, tuyến đường dân sinh đoạn từ km140 qua khu di tích Potam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, hàng trăm xe ben vận chuyển đất đá chạy tắt qua khiến mặt đường sụt lún và làm hư hỏng luôn hệ thống ống nước tưới tiêu của người dân.

Chính quyền địa phương đến mời đơn vị thi công cao tốc là Công ty Cổ phần Đạt Phương làm việc thì Công ty này cho biết có hợp đồng chở đất đắp đường với Công ty Dịch vụ du lịch và khai thác khoáng sản Song Én (Tuy Phong) và những phương tiện vận chuyển này không thuộc đơn vị thi công quản lý nên họ cho rằng…không liên quan!

Tại huyện Bắc Bình có đến năm tuyến đường dân sinh không đăng ký mượn là đường Hồng Thái - Bình An; Hòn Mốc - Đá Trắng; Sông Lũy - Phan Tiến; Bình Tân - Phan Tiến; cầu Tú Sơn - Đá Trắng với tổng chiều dài hơn 20 km cũng bị những đòan xe ben lén vận chuyển đất đá phá nát.

Tại huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân có đến 10 tuyến đường các đơn vị thi công đăng ký mượn và để hư hỏng khắp nơi nhưng không chịu duy tu, sửa chữa dù hai địa phương này phát văn bản cầu cứu khắp nơi. Riêng huyện Hàm Thuận Bắc để ngăn chặn những đoàn xe ben quá khổ quá tải vận chuyển vật liệu thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết người dân đã cắm bảng cấm xe ở 15 tuyến đường. Các tấm bảng ghi rõ: “Tuyến đường cấm xe chở vật liệu thi công cao tốc lưu thông do không đăng ký”!.

Để ngăn chặn những đoàn xe ben quá khổ quá tải vận chuyển vật liệu thi công cao tốc, người dân đã cắm bảng cấm xe trên 15 tuyến đường ở Hàm Thuận Bắc. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Để ngăn chặn những đoàn xe ben quá khổ quá tải vận chuyển vật liệu thi công cao tốc, người dân đã cắm bảng cấm xe trên 15 tuyến đường ở Hàm Thuận Bắc. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Một cán bộ UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho rằng trước tình trạng đường sá hư hỏng nghiêm trọng thì đây chỉ là biện pháp tình thế trước mắt.

Tại cuộc họp giải quyết vấn đề này mới đây giữa Sở GTVT, UBND các huyện có đường cao tốc đi qua và các Ban QLDA 85; Ban QLDA 7; Ban QLDA Thăng Long; đại diện Ban quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Bình Thuận đã thẳng thừng cho rằng, đến nay Ban chưa nhận được bất kỳ cam kết nào của các Ban QLDA về việc sử dụng các tuyến đường do Sở GTVT Bình Thuận quản lý để vận chuyển vật liệu thi công cao tốc.

Một cán bộ Sở GTVT Bình Thuận cho biết, hiện nay các tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn thi công tăng tốc. ‘Không bao lâu nữa các tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành và mong rằng đơn vị thi công có trách nhiệm đừng để xảy ra như đơn vị thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mượn, phá nát đường xong, rút đi không sửa chữa khiến địa phương nhiều năm phải cầu cứu Chính phủ, Bộ GTVT…”

Các đơn vị thi công cao tốc chưa tự giác sửa chữa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, cho biết Sở GTVT tỉnh đã liên tục yêu cầu các đơn vị liên quan sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu thi công cao tốc.

“Trước khi mượn đường để vận chuyển vật liệu, các đơn vị thi công cao tốc đều cam kết có trách nhiệm nhưng chưa bao giờ họ tự giác sửa chữa. Sở phải tổ chức họp, nhắc nhở, đôn đốc liên tục họ mới làm nhưng rất chậm. Thậm chí các ban QLDA còn đổ trách nhiệm cho các đơn vị vận chuyển”- ông Thanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm