LTS: Từ một số trường hợp cụ thể bị các cơ quan chức năng làm khó khi mua đất trồng lúa, Pháp Luật TP.HCM ghi nhận được lỗi phát sinh không chỉ ở việc thực thi mà còn ở sự không rõ ràng, bất hợp lý của các quy định có liên quan. Cùng với việc phản ánh thực trạng, loạt bài còn đề ra giải pháp khắc phục.
Theo quy định của khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa.
Tuy nhiên, từ cách hiểu và thực hiện không thống nhất của chính quyền nhiều nơi mà người dân đã rất nhọc nhằn, khổ sở khi đi xin xác nhận về việc “trực tiếp sản xuất nông nghiệp”. Có nhiều trường hợp đã phải ngậm ngùi từ bỏ ý định mua đất.
Mất hơn một năm mới được xác nhận
Ông Điều Thành N. (phường 8, quận 10, TP.HCM) đang sử dụng hợp pháp một thửa đất nông nghiệp trồng cây lâu năm tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Giữa năm 2017, ông mua của người em một thửa đất trồng lúa tại huyện Bến Lức, Long An.
Để được sang tên đất trồng lúa đó, ông N. đã đến UBND xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh xin xác nhận về việc sử dụng đất nông nghiệp. Với xác nhận này của xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, ông tiếp tục đến UBND phường 8, quận 10 (nơi ông có hộ khẩu thường trú) để xin xác nhận có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, UBND phường 8, quận 10 đã từ chối xác nhận cho ông với lý do xã Tân Nhựt không xác nhận ông có nguồn thu nhập trên đất nông nghiệp nên phường này không có cơ sở để giải quyết.
Vậy là ông đã phải ngược xuôi từ TP.HCM đến Long An rất nhiều lần nhưng vẫn không được xác nhận về nguồn thu nhập. Quá bức xúc, ông đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi. Phải đến tháng 9-2018, tức hơn một năm sau đó, ông mới được UBND phường 8 đồng ý xác nhận để ông hoàn tất thủ tục mua đất.
Bà Trương Thị Minh (phường 13, quận 6, TP.HCM) bên diện tích đất đã bỏ ra hơn 5 tỉ đồng để mua nhưng vì không được xác nhận có nguồn thu nhập nên không thể sang tên đất được. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Chạy vạy hơn 1/2 năm vẫn thất bại
Cũng vất vả với việc xác nhận như ông N. nhưng bà Trương Thị Minh (phư ờng 13, quận 6) xui xẻo hơn vì đến giờ vẫn không được giải quyết. Vụ việc của bà đã được Pháp Luật TP.HCM đăng tải vào ngày 20-6 nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Tương tự ông N., bà Minh hiện là chủ sử dụng hợp pháp một thửa đất trồng cây lâu năm và bà có nhu cầu mua thêm phần đất trồng lúa gần thửa đất đang sử dụng.
Cuối năm 2018, bà bỏ tiền ra mua gần 7.000 m2 đất trồng lúa tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Sau khi đi công chứng xong hợp đồng nhận chuyển nhượng đất, bà Minh đã liên hệ với UBND huyện Bình Chánh để thực hiện tiếp thủ tục sang tên đất.
Tại đây, cán bộ thụ lý hồ sơ yêu cầu bà bổ sung hai đơn: Đơn xác nhận đang trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp (tại nơi đã có đất); đơn xác nhận có nguồn thu nhập ổn định từ đất nông nghiệp (tại nơi thường trú).
Văn bản ràng buộc người mua đất trồng lúa.
Thực hiện theo hướng dẫn, bà Minh đến UBND xã Tân Nhựt nơi có đất để xin xác nhận về việc sử dụng đất nông nghiệp. Kế tiếp, bà đến UBND phường 13, quận 6 nơi bà đăng ký thường trú để xin xác nhận có nguồn thu nhập ổn định từ đất nông nghiệp. Không may cho bà, UBND phường 13, quận 6 đã từ chối xác nhận với lý do không rõ căn cứ.
Hiện tại, sau hơn 1/2 năm ròng rã chạy vạy mà vẫn không nhận được sự gật đầu từ UBND phường 13, quận 6, bà Minh đành bấm bụng hủy hợp đồng mua đất trồng lúa. Bà thỏa thuận lại với bên bán là sẽ chờ bên bán chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa thành đất trồng cây lâu năm rồi hai bên làm lại thủ tục mua bán cho dễ dàng hơn.
Nhiều nơi rất cần được hướng dẫn chi tiết - Về việc xác nhận: Từ tháng 5-2017 đến tháng 4-2019, UBND quận 6 có đến bốn văn bản hỏi ý kiến của Sở TN&MT TP.HCM về việc xác nhận nguồn thu nhập đối với các trường hợp đất ở một nơi, người ở một nơi (như trường hợp của ông N. và bà Minh đã nêu ở trên). Tuy nhiên, trong văn bản trả lời UBND quận 6 vào tháng 9-2017, ngoài việc ghi lại các quy định có liên quan trong Luật Đất đai, Nghị định 01/2017 thì Sở TN&MT đã không hướng dẫn gì thêm. Sở này chỉ lưu ý các quận, huyện tập hợp vướng mắc để sở trao đổi với Tổng cục Quản lý đất đai. Khi từ chối xác nhận cho bà Trương Thị Minh, bà Nguyễn Thị Viễn, Chủ tịch UBND phường 13, quận 6 có văn bản cho biết: “Phường chưa nhận được văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể nên gặp vướng mắc, khó khăn”. Về việc công chứng hợp đồng: Ngày 23-2-2018 (tức sau khi Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT có hiệu lực), Sở Tư pháp TP.HCM đã gửi văn bản phản hồi thắc mắc của UBND Củ Chi về việc này. Văn bản của Sở Tư pháp ghi nhận lại quy định của Luật Đất đai 2013 về định nghĩa hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và quy định của Luật Công chứng về thành phần hồ sơ công chứng. “Tại thời điểm nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, hộ gia đình, cá nhân phải đáp ứng điều kiện trực tiếp sản xuất nông nghiệp” - văn bản chỉ lưu ý chung như vậy. NGUYỄN HIỀN - KIM PHỤNG |