Đất lúa trong quy hoạch được chuyển sang đất nông nghiệp khác; đất quy hoạch là hỗn hợp và dân cư xây dựng mới sẽ được chuyển mục đích sang đất ở. Đó là nội dung quan trọng mà UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở TN&MT liên quan đến quyền của người sử dụng đất trong khu quy hoạch chưa có quyết định thu hồi đất và kế hoạch sử dụng đất được duyệt. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT (ảnh), đã có trao đổi cụ thể hơn với Pháp Luật TP.HCM về các điều kiện để được chuyển mục đích.
Mở lối cho đất nông nghiệp ở ba khu quy hoạch khủng
. Phóng viên: Thưa ông, việc UBND TP chấp thuận cho chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác trong ba khu quy hoạch “treo” thuộc khu Nam TP là một tin vui cho người sử dụng đất trong quy hoạch. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Các khu vực được TP chấp thuận cho chuyển mục đích từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác gồm: khu B, C, D (trong khu đô thị mới Nam TP) và các khu đô thị cảng Hiệp Phước (Nhà Bè), ĐH Hưng Long (Bình Chánh). Đây là những khu quy hoạch phát triển đô thị có diện tích đất nông nghiệp và đất lúa rất lớn. Muốn chuyển mục đích sử dụng đất thì phải tuân theo các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, các khu đất này hiện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện dự án nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong ba khu nói trên, khu B, C, D thuộc khu đô thị Nam TP do đã có Quyết định thu hồi đất 865/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án trong khu đô thị Cảng Hiệp Phước và ĐH Hưng Long hiện chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Do đó, TP chấp thuận chủ trương cho phép người dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp được chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp không phải xin phép nhưng phải đăng ký biến động theo quy định. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép thì phải thực hiện theo đúng quy định phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm được duyệt.
. Tại sao chỉ giải quyết riêng cho ba khu này? Có thể áp dụng chung cho đất nông nghiệp trong tất cả khu vực quy hoạch treo được không?
+ Ba khu vực nói trên tuy đã có quy hoạch để làm dự án. Tuy nhiên, do dự án kéo dài và chưa có điều kiện triển khai nên Ban quản lý khu Nam TP đã kiến nghị cho phép người dân được chuyển mục đích từ đất lúa sang đất nông nghiệp khác để người dân có thể sử dụng đất hiệu quả hơn trong thời gian chờ quy hoạch. Sở TN&MT nhận thấy việc chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác thì bản chất vẫn là đất nông nghiệp. Vì vậy, khi Nhà nước triển khai dự án thì vẫn thu hồi đất và việc thực hiện bồi thường cũng theo nhóm đất nông nghiệp đúng theo quy định. Do đó, từ năm 2018, Sở đã trình TP, sau khi xem xét kỹ lưỡng, TP đã chấp thuận.
Không chỉ riêng với ba khu nói trên mà tùy điều kiện của các quận, huyện hoặc các ban quản lý nơi có các dự án xem xét khả năng triển khai thực hiện dự án để có đề xuất. Nếu địa phương xét thấy dự án chưa có khả năng thực hiện thì có thể đề xuất để TP xem xét từng trường hợp cụ thể.
Đất nông nghiệp trong một dự án tại khu đô thị Nam TP. Ảnh: VIỆT HOA
“Xả” quyền lợi cho dân trong đất hỗn hợp, dân cư xây mới
. TP.HCM hiện nay có rất nhiều quỹ đất nằm trong quy hoạch là đất dân cư xây mới và đất hỗn hợp. Người dân lâu nay rất bức xúc vì bị hạn chế quyền lợi hợp pháp về nhà, đất. Việc cho phép người dân được chuyển mục đích, xây dựng nhà ở trong quy hoạch này cần phải có điều kiện gì, thưa ông?
+ TP đã chấp thuận chủ trương đối với khu vực có quy hoạch được duyệt là đất ở (nằm trong khu vực quy hoạch là đất hỗn hợp, đất dân cư xây mới) nhưng chưa có quyết định thu hồi đất và chưa có kế hoạch sử dụng đất thì người dân có đất nông nghiệp hợp pháp, có nhu cầu làm nhà ở, được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở. Đồng thời được xem xét cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Theo kết quả rà soát của Sở QH-KT năm 2018, TP có hơn 13.500 ha đất thuộc các quy hoạch hỗn hợp và dân cư xây mới. |
Cần nói rõ, đất quy hoạch là dân cư xây mới và đất quy hoạch hỗn hợp thì trong đó vừa có đất ở, vừa có đất giao thông, công trình công cộng, công viên… Vì vậy, không phải cứ là đất dân cư xây mới và đất hỗn hợp thì đều được giải quyết cho chuyển mục đích mà chỉ cho phép chuyển phần đất phù hợp với quy hoạch là đất ở.
Kể cả với trường hợp là đất ở thì cũng phải xem xét cụ thể. Vì có những trường hợp không đảm bảo hạ tầng, chưa kết nối giao thông, khu đất nằm giữa đồng không mông quạnh thì cũng không thể xem xét giải quyết cho chuyển mục đích được.
. Vậy các địa phương sẽ căn cứ vào những tiêu chí nào để giải quyết cho chuyển mục đích thống nhất trên toàn TP?
+ UBND TP giao Sở TN&MT hướng dẫn huyện Bình Chánh, Nhà Bè thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo quy định. Riêng việc cho chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong khu quy hoạch là đất hỗn hợp và đất dân cư xây mới, Sở TN&MT sẽ cùng các sở, ngành có liên quan hướng dẫn các tiêu chí cụ thể để các địa phương thực hiện thống nhất.
. Xin cám ơn ông.
Trước đó Ban quản lý khu Nam Sài Gòn có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho người dân tại hai dự án treo hơn chục năm nay là dự án khu ĐH Hưng Long, huyện Bình Chánh và khu đô thị Hiệp Phước của huyện Nhà Bè. Theo đó, khu Nam đề xuất TP cho phép người dân có đất trồng lúa được chuyển đổi sang đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác. Từ năm 2006, TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Ban quản lý khu Nam thực hiện lập quy hoạch dự án khu ĐH Hưng Long. Tuy nhiên, 13 năm nay dự án vẫn chưa được duyệt quy hoạch 1/2.000, chưa có quyết định thu hồi đất và người dân có đất nằm trong dự án bức xúc do gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và khai thác, sử dụng đất. Dự án khu ĐH Hưng Long có tổng diện tích đất khoảng 511 ha. Theo bản đồ địa chính năm 2004, diện tích đất lúa tại đây còn khoảng 294 ha, chiếm 57,5%. Dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước có diện tích hơn 3.911 ha, trong đó dự án khu đô thị Hiệp Phước chiếm 1.354 ha. Theo bản đồ hiện trạng năm 2008, thực tế hiện nay chỉ còn dưới 100 ha đất lúa. Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, ngoài khu E ở các huyện Bình Chánh và quận 8, các khu B và C không còn đất trồng lúa. Riêng khu D đã có quyết định giao đất năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. |