Ngày 27-12, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chính thức thăm Trân Châu Cảng - nơi diễn ra trận tấn công khủng khiếp của đế quốc Nhật vào Mỹ 75 năm về trước, chính thức kéo Mỹ vào cuộc thế chiến thứ hai. Đi cùng ông là Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một thủ tướng Nhật đến Trân Châu Cảng, dù trước đó đã từng có ba thủ tướng Nhật đến Trân Châu Cảng trong thập niên 1960, trong đó có cả ông của Thủ tướng Abe là Thủ tướng Nobusuke Kishi đến năm 1957.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đặt vòng hoa tưởng niệm ở đài tưởng niệm Arizona tại Trân Châu Cảng ở Hawaii (Mỹ) ngày 27-12. Ảnh: REUTERS
Trong tiết trời nắng đẹp, Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe đã cùng đi trên một con thuyền đến đài tưởng niệm được xây phía trên nơi chiến hạm Arizona bị chìm trong trận đánh. Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama đã đặt vòng hoa huệ tây và mặc niệm tưởng niệm những người đã mất.
Trong 2.403 lính Mỹ thiệt mạng có đến hơn một nửa (1.177 người) là từ chiến hạm Arizona. Con tàu vĩnh viễn không được trục vớt và được xem là biểu tượng của trận đánh.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đặt vòng hoa tưởng niệm ở đài tưởng niệm Arizona tại Trân Châu Cảng ở Hawaii (Mỹ) ngày 27-12. Ảnh: REUTERS
Hai lãnh đạo đã cùng rải hoa xuống Trân Châu Cảng, một hành động biểu tượng vừa tưởng niệm các binh sĩ đã thiệt mạng trong trận đánh, vừa chính thức chôn vùi trận đánh thù địch của Nhật 75 năm trước, cũng như chôn vùi quá khứ thù hằn hai bên sau trận đánh này.
“Đại diện người dân Nhật, tôi một lần nữa muốn bày tỏ sự biết ơn chân thành đến sự khoan dung của Mỹ và thế giới với Nhật” - Thủ tướng Abe phát biểu tại Trân Châu Cảng trước sự có mặt của nhiều cựu binh thế chiến thứ hai.
“Với vai trò Thủ tướng Nhật, tôi gửi lời chia buồn chân thành đến những người đã mất người thân ở đây, cũng như đến linh hồn của tất cả con người dũng cảm đã hy sinh trong chiến tranh tại đây” - Thủ tướng Abe gửi lời chia buồn nhưng không nói lời xin lỗi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rải hoa tưởng niệm tại Trân Châu Cảng ở Hawaii (Mỹ) ngày 27-12. Ảnh: AP
Tại Trân Châu Cảng, hai lãnh đạo đề cập đến sự vô nghĩa và thất bại của chiến tranh, cũng như ý nghĩa và lợi ích của hòa bình. Cả Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe đều nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh và rủi ro của chủ nghĩa biệt lập.
“Liên minh chúng ta là liên minh của hy vọng, sẽ đưa chúng ta đến tương lai. Điều gắn kết chúng ta với nhau là sức mạnh hòa giải, vốn có được nhờ tinh thần khoan dung” - theo Thủ tướng Abe.
“Hòa bình mang lại nhiều thứ hơn chiến tranh. Chúng ta cần kìm nén trước các đề nghị phải tiêu diệt những người khác chúng ta. Mỹ và Nhật đã chọn tình hữu nghị, đã chọn hòa bình. Điều này đã giúp vạch ra một trật tự thế giới ngăn chặn một cuộc thế chiến nữa” - Los Angeles Times dẫn phát biểu của Tổng thống Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) lắng nghe Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) phát biểu tại Trân Châu Cảng ở Hawaii (Mỹ) ngày 27-12. Ảnh: AP
Los Angeles Times nhận định việc Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama cùng thăm Trân Châu Cảng có thể xem là một động thái khẳng định quan hệ thân thiết hiện nay giữa Nhật và Mỹ dù từng là kẻ thù chiến tranh. Bảy tháng trước, Tổng thống Obama đã có chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima - một trong hai TP hứng bom nguyên tử của Mỹ. Nhật đã đầu hàng đồng minh sau hai quả bom nguyên tử này, thế chiến thứ hai chấm dứt.
Theo Los Angeles Times, đây có thể xem là một sự cảnh báo đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, vốn nhiều lần tuyên bố có thể sẽ giảm vai trò của Mỹ trong các liên minh, trong đó có cam kết của Mỹ với an ninh châu Á.
Trong số cựu binh trận đánh có mặt tại Trân Châu Cảng ngày 27-12 có ông Sterling Cale, nay đã 95 tuổi. Nhiệm vụ của ông Cale sau trận đánh là vớt thi thể đồng đội từ chiến hạm Arizona bị nổ, cháy và chìm. Ông cho biết ông đã tham gia vớt khoảng 100 thi thể.
Chia sẻ với Los Angeles Times, ông Cale cho biết ông tới Trân Châu Cảng chứng kiến chuyến thăm của Thủ tướng Abe nhưng không hy vọng sẽ nghe lời xin lỗi của ông Abe.
“Xin lỗi chỉ là một lời nói. Điều có ý nghĩa hơn là hành động đến đây của ông ấy và đến cùng với vị tổng tư lệnh quân đội của chúng ta. Hành động đó chứng tỏ nhiều hơn lời nói”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp gỡ các cựu binh Trân Châu Cảng ở Hawaii (Mỹ) ngày 27-12. Ảnh: AP
“Không cần xin lỗi. Chiến tranh là chiến tranh. Họ đã làm điều họ phải làm và chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm” - theo cựu binh Alfred Rodrigues, 96 tuổi.
Phía Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt với chuyến thăm của Thủ tướng Abe, theo Japan Times.
“Tôi e rằng chỉ Nhật cho rằng mình có thể hòa giải lịch sử thế chiến thứ hai chỉ đơn thuần bằng chia buồn với các nạn nhân ở Trân Châu Cảng. Nhật không bao giờ có thể lật sang được trang này mà không có sự hòa giải từ Trung Quốc và các nước nạn nhân khác ở châu Á” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo ngày 27-12.