Ngày 26-12, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cúi mình tưởng niệm tại đài tưởng niệm nghĩa trang quốc gia Thái Bình Dương ở Honolulu (ảnh), nơi an táng các binh sĩ Mỹ tử trận.
Chuyến thăm Trân Châu Cảng lần này của Thủ tướng Shinzo Abe mang nhiều ý nghĩa. Từ khi trở lại cầm quyền vào cuối năm 2012, ông mong muốn Nhật giải quyết thỏa đáng hậu quả chiến tranh.
Năm 2015, Nhật và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị cưỡng bức làm trò mua vui. Vài tuần trước, Nhật và Nga đã nhất trí tiếp tục bình thường hóa quan hệ song phương để có thể ký kết một hiệp định hòa bình còn bỏ dở sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chuyến thăm Trân Châu Cảng còn nằm trong khuôn khổ tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Điều quan trọng ông Abe nhắm đến là củng cố quan hệ quân sự giữa Tokyo và Washington. Năm ngoái, ông đã thúc đẩy thông qua các đạo luật mới về quốc phòng nhằm mở đường cho lực lượng phòng vệ Nhật tăng cường hợp tác quân sự với quân đội Mỹ.
Cuối cùng, chuyến thăm Trân Châu Cảng của ông Abe cũng nhằm đáp lễ chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Obama hồi tháng 5-2016. Chuyến thăm là hành động hòa giải mang ý nghĩa biểu tượng, đồng thời thể hiện cam kết gắn bó của Nhật với nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump, người đã chỉ trích Nhật lợi dụng Mỹ trong chiến dịch tranh cử. Ngay sau khi ông Trump đắc cử, ông Abe là một trong các nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến New York gặp ông Trump sớm nhất.
Trong giai đoạn bất an về chiến lược ở châu Á do tác nhân Trung Quốc, Nhật mong muốn Mỹ duy trì nền tảng ổn định và an ninh khu vực. Nhật cần cam kết của Mỹ bởi nước lớn Trung Quốc đang gia tăng hành động gây hấn ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoài ra, Nhật cũng hy vọng đồng minh Mỹ sẽ giúp Nhật đối phó với CHDCND Triều Tiên. Mỹ duy trì cam kết mạnh mẽ ở châu Á sẽ là giải pháp ít tốn kém nhất đối với Nhật trong công cuộc bảo vệ lợi ích và lãnh thổ.
Về đối nội, chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Abe là cử chỉ mạnh mẽ đáp ứng nguyện vọng hòa bình của đại đa số người dân Nhật. Trước mối đe dọa Trung Quốc, ý chí củng cố quan hệ với Mỹ của ông Abe sẽ trở nên đáng tin cậy hơn. Báo Atlantico bình luận Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thường giơ cao chiêu bài “chủ nghĩa quân phiệt Nhật quay trở lại” nhưng hiện nay dường như phần còn lại của châu Á không mấy quan tâm mà còn muốn Nhật giữ vai trò an ninh lớn hơn nữa.